Sắp thanh tra việc sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm vừa ký báo cáo tổng kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng năm 2022 và định hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2023.

Nhiệm vụ nổi bật trong năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19. Toàn ngành thanh tra đã triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả thanh tra.

Riêng Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra tại Bộ Y tế, TPHCM, Hà Nội và đã ban hành kết luận thanh tra.

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm (Ảnh: T.T).

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; thanh tra công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

"Đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp", ông Trần Ngọc Liêm cho hay.

Thanh tra Chính phủ đã triển khai 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra và tham mưu, giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Khánh Hòa. Đồng thời giúp Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng, trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2023 sẽ tập trung vào các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn tố cáo và dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật với các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Cơ quan thanh tra cũng sẽ đẩy mạnh giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng

"Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%", ông Liêm thông tin.

Chuyển cơ quan điều tra 320 vụ, 199 đối tượng

Năm 2022, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 6.300 cuộc thanh tra hành chính và gần 158.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 53.500 tỷ đồng, 8.241 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 320 vụ, 199 đối tượng.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ ban hành 13 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 1.643 tỷ đồng và 7,5 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân và đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 vụ việc.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

Link nội dung: https://haiphong24h.org/sap-thanh-tra-viec-su-dung-nguon-tien-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-a135355.html