Các cầu thủ Việt Nam di chuyển liên tục trên máy bay tại giải AFF Cup 2022 |
Đó là một lựa chọn bất hợp lý khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chọn thi đấu tại Hà Nội, dù biết rằng không có đường bay thẳng từ Indonesia tới Nội Bài và ngược lại.
Có thể quan chức VFF trả lời rằng không thể chọn được đối thủ ở bán kết. Nhưng tại sao ở TP.HCM đều có các đường bay tới các nước Đông Nam Á có cơ hội gặp chúng ta ở bán kết lại không được lựa chọn?
Chúng ta đã chứng kiến đội tuyển Việt Nam "khốn khổ" trước lượt trận cuối vòng bảng ngày 3/1 với đội tuyển Myanmar. Khi đội tuyển Việt Nam kết thúc hiệp 1 với tỷ số dẫn 2-0 trước Myanmar, VFF biết đối thủ của đội tuyển Việt Nam ở bán kết là Indonesia.
Lúc này toàn bộ hành lý của đội mới bắt đầu được chuyển trước ra sân bay Nội Bài để làm thủ tục cho chuyến bay tới Sài Gòn và Jakarta. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo sau khi kết thúc trận đấu với Myanmar đã di chuyển thẳng từ sân vận động ra sân bay và chỉ việc nhận vé lên máy bay để di chuyển vào TP.HCM ngay trong đêm.
|
Tại TP.HCM, đội tuyển được bố trí nghỉ qua đêm tại một khách sạn tiện nghi gần sân bay Tân Sơn Nhất. Sau một đêm mệt nhoài vì thi đấu và di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn, toàn đội tiếp tục di chuyển sang Jakarta trên chuyến bay cất cánh lúc 11h15 sáng 4/1.
Đó quả là một hành trình không dễ dàng và ảnh hưởng rất nhiều tới nhịp sinh học, sức khỏe của cầu thủ khi cầu thủ phải thi đấu 3 ngày 1 trận.
Đó là điều bất hợp lý mà VFF đã bỏ qua hay không tính đến.
|
Sáng 7/1, do không có chuyến bay, nên đội Việt Nam tranh thủ tập hồi phục tại khách sạn. Chiều hơn 14 giờ, đội đã lên đường về nước. Dự kiến chuyến bay hạ cánh lúc 18h00 cùng ngày. Sau đó, tuyển Việt Nam tiếp tục nối chuyến ra Nội Bài. Các cầu thủ về tới khách sạn khoảng 12h đêm.
Như vậy, huấn luyện viên Park Hang Seo cùng các học trò mất hơn 10 tiếng mới về được Hà Nội.
Trong khi tuyển Việt Nam có kế hoạch di chuyển rất vất vả thì tuyển Indonesia lại được "chăm sóc" tốt hơn. Theo đó, đoàn quân của HLV Shin Tae Yong bay bằng chuyên cơ thẳng từ Jakarta sang Hà Nội và đã có mặt tại sân bay Nội Bài lúc 17h20 chiều 7/1.
Chuyện đội tuyển họ đi bằng máy bay riêng chúng ta không bàn, vì đó là điều kiện. Nhưng khi chúng ta không có điều kiện tốt mà lại "hành xác" cầu thủ trên những chuyến bay mà đáng ra không nên có như vậy là bất hợp lý.
Chọn thi đấu trên mặt sân Mỹ Đình là điều quá tồi tệ, mà bất cứ huấn luyện viên nào cũng không hề mong muốn học trò của mình phải thi đấu ở đây.
Mặt sân xấu, hạ tầng xuống cấp, chỉ có 1 điều là chứa được nhiều khán giả. Phải chăng VFF đã tính bài toán "bán vé kiếm tiền" tại AFF Cup này? Nếu tính vậy thì họ đã thất bại hoàn toàn vì 2 trận đấu vừa qua khán giả không đến lấp đầy như mong đợi của quan chức VFF.
Theo thống kê, 2 trận đấu đã qua, mỗi trận đấu tại Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam chỉ đón trung bình hơn 14.000 người đến sân. Như vậy, mỗi trận đấu sân Mỹ Đình chỉ được lấp đầy khoảng 1/3 sức chứa tối đa. Con số này kém xa Indonesia (hơn 37.000 hay Malaysia (47.500).
Có nhiều lý do dẫn đến sự ảm đạm tại Mỹ Đình. Đầu tiên là giá vé xem các trận đấu của đội tuyển Việt Nam là đắt nhất giải đấu, thậm chí gấp nhiều lần so với những nền bóng đá trong khu vực (gấp đôi Malaysia và gấp rưỡi Indonesia).
Giá vé xem ở Mỹ Đình vòng bảng cao nhất là 600 ngàn, trong khi ở Lào chỉ có 60 ngàn đồng. Bán kết, VFF nâng lên 1 triệu đồng, thấp nhất 400 ngàn đồng. Giá vé cao, sân bãi như ruộng cày khiến khán giả ngán ngẩm không hào hứng.
Rất ít khi người dân TP.HCM được xem đội tuyển thi đấu ở SEA Games, AFF Cup hay vòng loại World Cup. VFF không hào phóng mang giải đấu năm nay vào đây thi đấu cho người dân phương Nam xem mà cứ quẩn quanh cái sân Mỹ Đình "như bãi chăn bò".
Phải chăng, VFF tính sân Mỹ Đình chứa hơn 4 vạn khán giả, nếu lấp đầy thì kiếm bộn tiền, mặc kệ cầu thủ di chuyển liên tục để thi đấu? Nếu cách tính đó tồn tại thì bóng đá Việt Nam khó mà tiến xa được.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: Báo PLVN
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chon-thi-dau-o-my-dinh-la-sai-lam-a135651.html