Ăn đường có hại cho tim không?

Các món ăn, đồ uống có đường thường hấp dẫn chúng ta, nhưng không kiểm soát tốt, nạp quá nhiều đường sẽ gây ra hệ lụy trong sức khỏe, nhất là nguy cơ bệnh tim mạch.

Dưới đây là những lưu ý về cách ăn đường để không ảnh hưởng sức khỏe, trong đó có bệnh tim mạch.

Bác sĩ Đoàn Hồng - Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM chia sẻ, đường ảnh hưởng đến tim theo nhiều cách. Trong đó, rõ ràng nhất là tăng cân. Một chế độ ăn nhiều đường có thể góp phần gây béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao – tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.

 Đường cũng có thể tác động trực tiếp lên tim và động mạch của bạn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trọng lượng không phải là toàn bộ vấn đề. Chế độ ăn nhiều đường sẽ gây hại cho bạn cho dù bạn có cân nặng bao nhiêu. Khi ăn nhiều đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn, cơ thể sẽ không hấp thụ đủ những thực phẩm tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt - là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho tim của bạn.

Đường cũng có thể tác động trực tiếp lên tim và động mạch của bạn. Khi ăn quá nhiều đường, cơ thể bạn sẽ tích trữ thêm calo dưới dạng một loại chất béo gọi là chất béo trung tính. Chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng chất béo trung tính trong cơ thể bạn. Mức chất béo trung tính cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cho bạn.

Tăng cân liên quan đến chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến mức cholesterol LDL cao hơn. LDL – thường được gọi là “cholesterol xấu” – gây ra mảng bám làm tắc nghẽn động mạch có thể làm tổn thương mạch máu và tim của bạn.

Béo phì liên quan đến chế độ ăn nhiều đường có thể góp phần làm tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, đường có thể gây viêm khắp cơ thể bạn. Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến chứng viêm mãn tính, gây căng thẳng cho tim và mạch máu của bạn, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ăn bao nhiêu đường là quá nhiều?

Bác sĩ Hồng nói, không phải tất cả các loại đường đều được tạo ra như nhau. Đường tự nhiên được tìm thấy trong thực phẩm như sữa và trái cây, có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Đường bổ sung mới là thứ bạn cần phải theo dõi.

Đường bổ sung bao gồm đường trắng, mật ong hoặc sirô mà bạn khuấy vào cà phê hoặc phết lên bánh mỳ. Đường bổ sung cũng là thành phần phổ biến trong thực phẩm chế biến sẵn. Bạn sẽ thấy chúng trong các món ngọt như nước ngọt, sữa chua ngọt, bánh kẹo và kem…

Nhưng đường bổ sung cũng ẩn nấp ở nơi mà bạn có thể không ngờ tới, chẳng hạn như súp đóng hộp hoặc bánh mì kẹp thịt. Các loại thực phẩm như bánh ngọt cũng có thể có nhiều đường bổ sung.

Điều đó khiến bạn dễ dàng ăn quá nhiều đường bổ sung mà không hề nhận ra. Vậy ăn bao nhiêu là quá nhiều? Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo không nhiều hơn 100 calo (khoảng 6 muỗng cà phê) đường bổ sung mỗi ngày cho phụ nữ; 150 calo (khoảng 9 muỗng cà phê) mỗi ngày cho nam giới.

Tác giả: THANH HẢI

Nguồn tin: Báo VTC

Link nội dung: https://haiphong24h.org/an-duong-co-hai-cho-tim-khong-a136536.html