Trong số 27 bảo vật quốc gia vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận đầu năm 2023, có 6 bảo vật được lưu giữ tại sưu tập tư nhân An Biên, thuộc sở hữu của ông Trần Đình Thăng - Tổng thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng.
Sáu bảo vật quốc gia nằm trong bộ sưu tập tư nhân An Biên gồm: Hai chiếc đĩa gốm men ngọc (niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII); đĩa gốm men lam tím (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); lư hương gốm hoa lam (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại: Thế kỷ XVI - XVII).
Đĩa men lam tím có từ thế kỷ XV, cao 6,8 cm, đường kính miệng 36,5cm, họa tiết vẽ bằng vàng, với những đường nét li ti nhỏ hơn sợi tóc. Đĩa có miệng loe ngang, trên vành miệng có rãnh lõm hình lòng máng, gờ viền miệng không men, thành cong, chân đế thấp và rộng, gờ chân đế ve tròn.
Đĩa gốm men lam tím, niên đại thời Lê Sơ, thế kỷ XV. |
Giữa lòng đĩa có hoa văn hình sư tử, được bao quanh bằng hai đường chỉ. Quanh hình sư tử là mây, bên ngoài được bổ ô hình khánh. Xen giữa các ô hình khánh là sóng nước, theo lớp lang giống như vảy cá. Trong những ô hình khánh là những khóm địa lan. Tiếp đến là băng hoa văn cánh sen dẹo, họa tiết chỉ xuất hiện ở thời Lê sơ.
Thành phía trong của đĩa men lam tím là băng hoa văn dây lá hoa mai, nét vẽ mảnh, nhưng còn vẹn nguyên đồ án. Phía thành ngoài, vẫn một sắc tím trong, mọng, điển hình của sắc tím thời Lê sơ.
Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, thời Lý đều nguyên vẹn nhưng có kích thước chênh lệch nhau đôi chút: Đường kính miệng 33cm và 33,3cm; cao 0,9cm và 0,8cm; đường kính đáy 13,6cm và 13cm. Hoa văn trang trí ở trong lòng cả hai chiếc đĩa này là hoa lá mẫu đơn và ba em bé trong thế giới cực lạc.
Căn cứ vào hoa văn, kiểu dáng, chất liệu của hai bảo vật giống nhau khiến các nhà khoa học nhận định đây là sản phẩm được đặt một đôi và sản xuất ở lò chuyên phục vụ hoàng gia, cung đình.
Hai chiếc đĩa gốm men ngọc thời Lý, thế kỷ XI-XII. |
Lư hương gốm hoa lam có kích thước lớn; cao 42,5cm; đường kính miệng 31,4cm; đường kính đế 9cm. Với hai phần rời nhau, ghép lại thành một khối hình vững chắc, bề thế.
Phần trên lư hương trông tựa như một chiếc bình miệng loe, cổ hình trụ, thân hình cầu, có gờ nổi. Hai mặt hổ phù ngậm vòng nổi gồ hai bên đối diện trên vai, tạo nên vẻ quyền uy hiếm thấy trên đồ gốm hoa lam thời Lê sơ nói chung và lư hương nói riêng.
Lư hương gốm hoa lam thời Lê Sơ, thế kỷ XV. |
Đài đốt trầm gồm 2 phần: Dưới là bệ, trên là nắp có tượng nghê ngồi. Đài cao 45cm, rộng 13,5cm và trọng lượng 3,25kg. Phần bệ có hình đài sen lục giác (6 cạnh) chia nhiều cấp, thắt giữ, chân xoè, hoạ tiết trang trí được đúc và trổ thủng.
Nổi bật nhất là phần nắp đài tọa hình con nghê ngồi chầu. Nghê đúc theo lối tượng tròn nguyên khối, rỗng thân, thân chắc khỏe, ngực ưỡn, đeo lục lạc, vòng dải, biểu hiện sự sang quý.
Phần đầu nghê hình lân, trán dô, mắt lồi, miệng rộng hơi mở, lưỡi cong, nanh chìa như dọa đuổi tà ma, tai to hơi cụp. Mép có ria hình lá ba chạc hay mây lửa, râu xoắn. Khi đốt trầm khói theo chân nghê bốc lên lan toả ra từ miệng, mũi tạo sự linh thiêng.
Đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại thế kỷ XVI - XVII. |
Không gian trưng bày 6 bảo vật quốc gia tại Sưu tập tư nhân An Biên (TP Hải Phòng) vừa được công nhận. |
Ngoài 6 hiện vật trên, ông Trần Đình Thăng còn sở hữu 9 hiện vật gốm men trắng, có từ triều Lý gồm: bốn ấm, hai liễn và ba đĩa, được công nhận bảo vật quốc gia ngày 21/12/2021.
Theo các nhà nghiên cứu, những bảo vật ông Thăng đang sở hữu là hiện vật gốc, độc bản. Các hiện vật được bảo quản hoàn hảo, chưa từng gặp phiên bản thứ hai ở bất cứ bảo tàng hay bộ sưu tập cá nhân nào ở Việt Nam.
Nhìn gần 6 bảo vật quốc gia tại Hải Phòng ảnh 6
Chín hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021 tại Sưu tập tư nhân An Biên.
Liễn gốm men trắng có nắp. |
Ấm gốm men trắng có nắp. |
Đĩa ngọc men trắng. |
Tác giả: Hà An - Nguyễn Hoàn
Nguồn tin: tienphong.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nhin-gan-6-bao-vat-quoc-gia-tai-hai-phong-a136665.html