Hé lộ chi tiết khiến "đại gia" hiểu lầm, giao hàng tỷ đồng cho "nữ quái" Hà Thành

Có lần đến ngân hàng, ông Toàn khai, thấy siêu lừa đứng trong quầy giao dịch, đi đi lại lại như lãnh đạo chỉ đạo nhân viên nên tin tưởng giao sổ tiết kiệm cho bị cáo Hà Thành.

Ngày 11/3, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cùng 25 đồng phạm bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc đã chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng tiếp tục với phần xét hỏi của các Luật sư.

 Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành.


Theo cáo buộc của cơ quan công tố, bên cạnh việc lừa đảo “rút ruột” gần 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), bị cáo Hà Thành còn lừa đảo, chiếm đoạt của 4 cá nhân khác số tiền 63 tỷ đồng. Tiếp tay cho Thành còn có 17 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Theo tài liệu điều tra, cơ quan tố tụng xác định, tại ngân hàng NCB, giữa năm 2018, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (khách hàng gửi tiền) hàng chục tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị cáo giữ.

Sau đó, Thành cấu kết với đồng phạm ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB.

Với chiêu tương tự, bị cáo Thành cũng đã vay của ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông vào Ngân hàng PVcombank, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.

Thành cùng đồng phạm dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Hoàng Nguyên.

Cả hai tiếp tục giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trên chứng từ hợp đồng cầm cố tiền gửi trong hồ sơ cấp tín dụng để được giải ngân, chiếm đoạt số tiền 49,4 tỷ đồng.

Để làm rõ nội dung này, các Luật sư đã đặt nhiều câu hỏi cho bị cáo Thành và ông Toàn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

  Ông Đặng Nghĩa Toàn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.


Trước bục khai báo, Thành khai rằng đã đưa cho ông Toàn khoảng 80 tỷ đồng, gồm cả gốc và lãi số tiền ông Toàn gửi tiết kiệm. Trong số tiền 80 tỷ, Thành đưa 35 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là chuyển khoản. Việc trao nhận tiền không có giấy tờ chứng minh hay biên nhận.

Ông Toàn thì lại khẳng định mới chỉ nhận khoảng 4 tỷ đồng là tiền lãi ngoài mà ông này với bị cáo thỏa thuận. Bên cạnh lãi này, ông Toàn vẫn nhận tiền lãi gửi tiết kiệm hàng tháng từ các ngân hàng.

Trước chất vấn của Luật sư, lý do vì sao ông Toàn lại tin tưởng giao cho Thành quản lý 3 sổ tiết kiệm (tổng trị giá 122 tỷ đồng), trong khi, 2 người không có mối quan hệ thân thiết hay vợ chồng.

Ông Toàn cho biết được Thành giới thiệu là có quan hệ với ngân hàng và được Thành hứa trả “tiền thưởng”. “Có lần tới ngân hàng VAB và NCB, tôi chứng kiến Thành đứng bên trong quầy giao dịch đi đi lại lại, chỉ trỏ, giống như lãnh đạo chỉ đạo nhân viên”, ông Toàn trình bày.

Về việc Thành hứa thưởng cho ông Toàn, cáo trạng cũng nêu: “Thành cam kết sẽ trả từ 4,2 - 4,5%/tháng trên tổng số tiền ông Toàn gửi tiết kiệm”.

Một phần cùng vì tin tưởng sự chặt chẽ trong quản lý của ngân hàng, ông Toàn đinh ninh việc nếu chỉ cầm quyển sổ tiết kiệm thì Thành không thể động được đến số tiền gửi mà ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý số tiền của ông. Bản thân ông khẳng định không đưa cho Thành bản chính hay bản sao chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn...

Sau khi phát hiện ra hành vi của Thành, ông Toàn cho biết đã đến các ngân hàng NCB, VAB và PVcomBank để làm việc, đề nghị được cung cấp hồ sơ thế chấp, vay.

Cũng theo lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Toàn cho biết khi đó, các ngân hàng cam kết nếu xác định chữ ký của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng là giả, thì sẽ trả lại tiền cho mình.

HĐXX tiếp tục làm việc.



Tác giả: Tư Viễn

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

Link nội dung: https://haiphong24h.org/he-lo-chi-tiet-khien-dai-gia-hieu-lam-giao-hang-ty-dong-cho-nu-quai-ha-thanh-a136938.html