Chính phủ yêu cầu lập tổ công tác đặc biệt ở các tỉnh để gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; đánh giá kỹ tác động, chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, đặc biệt là mặt hàng điện, xăng, dầu…

"Các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn", Nghị quyết nêu rõ với mục tiêu hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát. Phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa được yêu cầu báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp các đơn vị trình cấp có thẩm quyền việc xem xét, thực hiện giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Thời hạn trình trước ngày 15/4.

Ngoài ra, Chính phủ lưu ý tháo gỡ vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để xử lý phù hợp, hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay…

Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan cần khẩn trương ban hành văn bản pháp luật nhằm thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, hướng dẫn đầy đủ, thống nhất việc sử dụng dữ liệu dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan liên quan cần rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, hiệu quả; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Tư pháp, nhằm nghiên cứu giải pháp triển khai thí điểm ứng dụng VNeID trong chuyển đổi số tại một số bộ, ngành, địa phương trong khi chờ sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan.

Trước mắt, Chính phủ yêu cầu sử dụng tài khoản VNeID để làm sạch dữ liệu và tạo lập tài khoản mới đối với thông tin thuê bao di động, nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng; cung cấp dịch vụ chứng thư số công dân đảm bảo danh tính và triển khai thí điểm sử dụng bằng lái xe tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tại tỉnh Bình Dương. Giải pháp thí điểm cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 4.

 

Tác giả: ANH VĂN

Nguồn tin: vtc.vn

Link nội dung: https://haiphong24h.org/chinh-phu-yeu-cau-lap-to-cong-tac-dac-biet-o-cac-tinh-de-go-kho-cho-doanh-nghiep-a137556.html