Đưa môn văn vào xét tuyển ngành y: Cần giải trình công khai

Năm 2023, 4 trong số 27 trường đại học (ĐH) có đào tạo ngành sức khỏe sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển vào ngành Y khoa. Nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện này đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ Y tế đã có những thông tin ban đầu.

 Sinh viên Y khoa Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Trường ĐH Văn lang.

Tổ hợp lạ

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) tuyển sinh ngành Y khoa sử dụng tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh). Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và ĐH Tân Tạo (Long An), cùng sử dụng tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) để tuyển ngành Y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển ngành Y khoa bằng tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn).

Đây là năm đầu tiên tuyển sinh ngành sức khỏe bậc ĐH xuất hiện các tổ hợp lạ có môn Văn. Theo thông lệ tuyển sinh truyền thống, ngành học này chủ yếu xét tuyển bằng 3 môn Toán, Hóa, Sinh (tổ hợp B00). Những năm gần đây, các trường có sử dụng thêm các tổ hợp khác nhưng vẫn chủ yếu là các môn tự nhiên để thi hoặc xét tuyển đầu vào, như tổ hợp A00 (Toán, Hóa, Lý), A02 (Toán, Lý, Sinh); D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh), D08 (Toán, Sinh, tiếng Anh)...

Một số trường ĐH lý giải, việc đưa môn văn vào tuyển sinh là phù hợp với định hướng xây dựng phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình hay bác sĩ cơ sở - những người rất cần kỹ năng tiếp xúc, sự khéo léo để chia sẻ, động viên, tư vấn cho người dân. Trong khi đó, học sinh giỏi Ngữ văn là những người có đầu óc tư duy xã hội tốt.

Lo ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo

Liên quan đến việc một số trường dùng điểm môn văn để xét tuyển ngành Y, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) khẳng định, Bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về GDĐT, có trách nhiệm xem xét, xử lý khi có những dấu hiệu, hành vi vi phạm chính sách, quy chế của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Với những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn như tổ hợp tuyển sinh ĐH, các môn tuyển sinh đầu vào,… cần lắng nghe các đơn vị đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể tương ứng.

Theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo. Khi quy định về chuẩn đầu vào, cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.

Hiện Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GDĐT đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

“Yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường nào mà có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học” - bà Thủy khẳng định và cho biết trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường. Trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề xã hội quan tâm.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết đối với bác sĩ, theo quy định, sau 6 năm đào tạo phải kiểm tra năng lực để được cấp giấy hành nghề. Nếu sinh viên học ngành Y không qua được bài kiểm tra năng lực thì cũng không thể hành nghề. Do đó, khi chọn các môn xét tuyển ngành Y, các trường cần phải cân nhắc đến quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ năm 2023 để đảm bảo sinh viên ra trường có đủ năng lực hành nghề, không bỏ phí 6 năm học.

“Bộ Y tế không có thẩm quyền trong việc quyết định môn thi nhưng ngành Y là nơi sẽ sử dụng nhân lực, nên các hoạt động liên quan tới các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế được Bộ đặc biệt quan tâm, trong đó có chất lượng đầu vào” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) nhấn mạnh và cho biết lãnh đạo Bộ Y tế cũng băn khoăn việc các trường sử dụng tổ hợp có môn ngữ văn để xét tuyển cho khối ngành sức khỏe. Tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GDĐT đề nghị các trường giải trình về vấn đề này.

Tác giả: HÀN MINH

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

Link nội dung: https://haiphong24h.org/dua-mon-van-vao-xet-tuyen-nganh-y-can-giai-trinh-cong-khai-a138651.html