Những lao động tự do làm công việc nặng nhọc sẽ hưởng lợi lớn nếu tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan này đang lấy ý kiến người dân dự thảo nghị định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện, đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn thế nào?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức đóng hằng tháng bằng 2% lương tối thiểu vùng 4. Hiện nay, lương tối thiểu vùng 4 đang là 3,25 triệu đồng, như vậy người lao động cần đóng 65.000 đồng/tháng.
Lao động tự do đóng hằng tháng hoặc các mức 3 tháng/lần, 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần. Người tham gia loại bảo hiểm này đủ 15 tuổi trở lên và làm việc tự do.
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hỗ trợ một phần từ Nhà nước, sinh lời đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác.
Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% nếu lao động tự do thuộc hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Còn hộ cận nghèo hưởng mức 25% so với chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn hoặc hộ nghèo thiếu hụt tiêu chí bảo hiểm y tế. Những đối tượng còn lại được Nhà nước hỗ trợ 10%.
Mức hưởng bảo hiểm tai nạn ra sao?
Theo dự thảo, khi gặp tai nạn trong quá trình làm việc, người tham gia sẽ nhận trợ cấp một lần hoặc hằng tháng. Các mức trợ cấp dự kiến tính theo lương cơ sở mới 1,8 triệu đồng/tháng có hiệu lực từ 1-7-2023.
Về trợ cấp một lần, nếu lao động gặp nạn khi làm việc và suy giảm sức khỏe từ 5% trở lên sẽ được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, người đóng nhiều năm nhận thêm 0,3 mức lương cơ sở/năm (từ năm thứ 2 trở đi).
Thân nhân hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (tức 64,8 triệu đồng) nếu lao động đóng bảo hiểm tai nạn không may qua đời, chết trong thời gian điều trị tai nạn lao động lần đầu…
Về trợ cấp hằng tháng, lao động tự do bị giảm 31% khả năng lao động được hưởng mức bằng 30% lương cơ sở. Sau đó, nếu giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% lương cơ sở. Ngoài ra, người đóng một năm trở xuống hưởng trợ cấp bằng 0,5 mức lương cơ sở, người đóng nhiều năm nhận thêm 0,3 mức lương cơ sở/năm (từ năm thứ 2 trở đi).
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất lao động bị tai nạn lao động được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Tuy nhiên, dự thảo lưu ý lao động tự do không được hưởng chế độ nếu mâu thuẫn của nạn nhân và người gây ra tai nạn không liên quan đến công việc, nhiệm vụ. Ngoài ra, người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe, sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái với quy định cũng mất quyền lợi.
Lao động tự do, không ký hợp đồng lao động như xây dựng, hàng rong thiệt thòi hơn lao động chính thức khi thường không có bảo hiểm tai nạn - Ảnh: HÀ QUÂN |
Sẽ xem xét mức đóng bảo hiểm tai nạn phù hợp
Theo một lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính sách trên nhằm đảm bảo mục tiêu bao trùm là bảo vệ cho tất cả người lao động. Bởi khi tai nạn, người lao động cần được chữa trị, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.
Hiện ban soạn thảo đang tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Với đề xuất hỗ trợ một phần từ Nhà nước, cơ quan này kỳ vọng người lao động tự do hiểu và tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện để hưởng hỗ trợ từ chính sách.
Bên cạnh đó, vị này cho biết ban soạn thảo sẽ xem xét kỹ lưỡng tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động (mức 2% lương tối thiểu vùng 4), phù hợp với đại đa số người lao động trước khi trình Chính phủ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hết quý 1-2023 cả nước có 33 triệu người làm việc tự do. Nhóm này lại là đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi tai nạn lao động, thống kê sơ bộ 5 năm qua, trên 2.000 người bị tai nạn lao động/năm.
Tác giả: HÀ QUÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ
Link nội dung: https://haiphong24h.org/de-xuat-ho-tro-lao-dong-tu-do-dong-bao-hiem-tai-nan-a138662.html