Trong những ngày qua, lan truyền trên các diễn đàn của học sinh (HS), giáo viên (GV) một đề thi được cho là đề ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên năm học 2023-2024 tại tỉnh Hải Dương. Đề thi chỉ có 2 câu hỏi, với câu số 1 (4 điểm) chỉ một câu trích: "Bởi chúng ta ai cũng chỉ được sống một lần"… Câu này không ghi rõ trích ở đâu và không kèm thêm bất cứ yêu cầu gì!
Ra đề mông lung
Ngay khi đề thi này lan truyền, nhiều GV dày dạn kinh nghiệm cũng hết sức ngỡ ngàng bởi không hiểu HS sẽ làm bài thế nào và đáp án của đề thi trên ra sao?!
Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết những đề thi kiểu như trên thật ra không mới, cũng không có sáng tạo, có thể hợp với một bộ phận HS học luyện thi nhưng đa số sẽ không hiểu gì. Thầy Bảo cho rằng đề thi không ra đúng kiểu câu hỏi, bởi câu hỏi phải có một lệnh cụ thể.
Đề thi cần phải đánh giá năng lực học sinh chứ không phải chạy theo trào lưu của các vấn đề xã hội. Trong ảnh: Thí sinh xem đề thi sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH |
Nếu đề thi trên là có thật thì lấy đâu ra lệnh để cho thí sinh được biết, nếu không có yêu cầu rõ ràng thì không thể là một đề thi hoàn thiện. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, chương trình cũ, mỗi địa phương ra đề một kiểu khác nhau, dành cho những HS của chương trình giáo dục phổ thông cũ nhưng dù cũ thì đề thi như trên vẫn không phù hợp. "Thông thường một đề thi phải rõ ràng 3 yếu tố: yêu cầu về nội dung, yêu cầu về phạm vi, yêu cầu về kiểu/loại bài làm" - thầy Bảo nhấn mạnh.
Theo GV này nếu có những bài phá cách như làm thơ, viết truyện thì đáp án, hướng dẫn chấm có chấp nhận không? Thêm nữa, một môn học nhiều cảm tính như môn văn thì giám khảo có chịu mở lòng không?
Nhiều GV tại TP HCM cũng cho rằng với đề thi như trên thì hướng dẫn chấm thi sẽ thế nào, mở thế nào để tương thích với cách ra đề? "Đọc hướng dẫn chấm xong thì giám khảo có chịu mở luôn không? "Cho đề thi như vậy còn định tính, chưa định lượng. Thông thường, các đề thi chuyên cũng tỉ lệ điểm 4-6. Câu 1 là nghị luận xã hội, câu 2 là lý luận văn học. Nhưng ở câu 1 không có lệnh rõ ràng, người ta muốn làm thơ, sáng tác truyện cũng được" - GV ngữ văn một trường THPT tại TP HCM cho biết.
Nhiều ý kiến GV cho rằng với chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ khó có những đề thi như vậy. Bởi lẽ chương trình mới rất nghiêm ngặt, đề thi sẽ có ma trận và bảng đặc tả. Hai yếu tố này sẽ ràng buộc để các đề thi làm cho chuẩn, cho đều.
Dựa vào hai yếu tố này, sẽ có hàng loạt đề thi chất lượng, độ dễ, khó tương đương nhau. HS của GV này vẫn có thể làm được đề do GV khác ra. Nghĩa là có những quy định thống nhất để ra đề thi cho một kỳ thi. Điều này tránh kiểu ra đề tùy hứng, theo trào lưu như chương trình cũ.
Ra đề sáng tạo nhưng cần chuẩn mực
Một chuyên gia giáo dục cho rằng mục tiêu của giáo dục là định hướng cho tư tưởng và hành động của xã hội chứ không phải chạy theo "xu hướng" nhất thời của quần chúng. Điều này đòi hỏi phải có quy trình tập huấn cho GV soạn đề mở để có phương pháp ra đề sáng tạo và chuẩn mực, chứ không phải thấy gì trào lưu là đưa vào. Nếu xu hướng này gây nên hậu quả HS có thể đoán được đề thi mở nhờ nắm bắt kịp thời sự, rồi học tủ… là phản giáo dục!
Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), cho biết nhiều đề thi đưa các vấn đề thời sự nóng vào nhưng rõ ràng "nóng" chưa chắc sẽ đồng nghĩa với có tính giáo dục. "Những câu hỏi như "Một bộ phim truyền hình lại thu hút sự quan tâm của chính trị gia thì chứng tỏ điều gì" là vô nghĩa. Bởi lẽ, dù đề mở cũng ít nhất phải có đáp án rõ ràng, thể hiện quan điểm cá nhân. Với câu trên thì HS trả lời thế nào cũng được. Câu hỏi dù mở cũng phải đề cao tính giáo dục, thẩm mỹ" - thầy Đức Anh bày tỏ.
Trong khi đó, GV ngữ văn một trường chuyên tại TP HCM cho rằng để ra đề thi mở, trước hết GV cần phải hiểu mở là gì. Mở không phải là chạy loạn theo các vấn đề thời sự mà là ở tư duy, quan điểm, cách nhìn nhận, linh hoạt giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống đời sống, hiện thực xã hội. Do đó, phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng khi ra đề thi. Có những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm nhưng chưa chắc đã đúng chuẩn. Đề thi cực kỳ quan trọng vì có vai trò phản ánh, đánh giá mức độ sản phẩm đầu ra là năng lực của HS.
"Nếu đề thi chỉ phục vụ một trào lưu thì không ổn bởi những xu hướng, trào lưu chỉ phục vụ một nhóm người. Chọn chủ đề đưa vào đề thi là khâu quan trọng, đưa ra vấn đề cũng phải mang tính cẩn thận, mang tính thời đại chứ không phải chạy theo xu hướng. Trong khi đó, trong cuộc sống còn rất nhiều vấn đề nhân văn, giáo dục, dù không ồn ào nhưng rất có tính thời sự" - GV này cho biết.
Lúng túng ra đề thi trắc nghiệm Theo nhiều GV, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ môn ngữ văn yêu cầu GV ra để thi tự luận kết hợp trắc nghiệm theo tỉ lệ 4 điểm trắc nghiệm (2 điểm trả lời ngắn, 4 điểm bài văn) và 6 điểm viết. Nhờ trắc nghiệm mà GV kiểm tra kiến thức HS toàn diện hơn nhưng phần đông GV đều lúng túng khi ra đề trắc nghiệm. Đề trắc nghiệm để đạt yêu cầu thì người ra đề phải được đào tạo rất nhiều, rất lâu nhưng GV vẫn phải tự mò, sai thì rút kinh nghiệm bởi không có lớp hướng dẫn cụ thể. |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao động
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ra-de-thi-mo-nhung-dung-tuy-hung-a138999.html