Oằn mình gánh ô nhiễm
Để mục sở thị thực trạng các nguồn xả thải gây ô nhiễm sông Đa Độ, PV Người Đưa Tin nhờ người dân địa phương dùng thuyền nan chở dọc đoạn sông đi qua làng nghề thu gom, tái chế phế liệu ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, Tp.Hải Phòng. Chỉ vào các hộ làm nghề ngay sát bờ sông, anh Phạm Trung Vũ, ở tổ dân phố Cấp Tiến, phường Tràng Minh, cho biết: “Năm 2021, các hộ này thu mua thêm rác thải từ các công ty giày da rồi đốt suốt ngày đêm tỏa ra khói đen và mùi rất khó chịu. Chúng tôi nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên chính quyền phường Tràng Minh, nhưng sự việc không được giải quyết.
Trước tình trạng này, người dân chúng tôi phải dựng barie ở đầu đường rồi chia nhau trực ngăn không cho ô tô chở rác thải giày da vào. Khoảng 3-4 tháng sau, các hộ cam kết không thu mua rác thải giày da nữa, chúng tôi mới tháo bỏ barie. Tuy nhiên, các hộ này vẫn xả nước thải trong quá trình tái chế phế liệu trực tiếp xuống sông Đa Độ. Mặc dù bức xúc nhưng vì miếng cơm manh áo của họ, chúng tôi đành nhắm mắt làm ngơ”.
Một số hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, Tp.Hải Phòng xả nước thải trực tiếp xuống sông Đa Độ (Ảnh: Sinh Phạm). |
Được biết, Tp.Hải Phòng đầu tư hơn 120 tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải của làng nghề thu gom, tái chế phế liệu Tràng Minh và các khu dân cư lân cận. Sau hơn 8 năm “đắp chiếu”, đầu tháng 6/2023, hệ thống đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các hộ làm nghề kể trên vẫn xả thải trực tiếp xuống sông Đa Độ.
Ngoài ra, theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, đơn vị được chính quyền Tp.Hải Phòng giao quản lý, sử dụng nguồn nước sông Đa Độ, hiện trên toàn tuyến sông có gần 400 điểm xả nước thải trực tiếp vào sông Đa Độ và các kênh, mương dẫn ra sông. Trong đó, hơn 200 điểm thuộc doanh nghiệp, hơn 160 điểm thuộc các trang trại và gần 30 điểm là khu dân cư.
Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng Tp.Hải Phòng mới cấp phép xả thải cho khoảng 60 điểm xả thải. Hơn 300 điểm còn lại đang tự do xả nước thải ra hệ thống sông Đa Độ, nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao như là nước thải của các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi, nước thải từ các khu dân cư…
Đắp đập, xây cống ngăn ô nhiễm
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, cho biết: “Sông Đa Độ có chiều dài gần 50 km, chảy qua địa bàn 5 quận, huyện của Tp.Hải Phòng, gồm 2 huyện An Lão, Kiến Thụy và 3 quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn. Ngoài chức năng cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho 32.000 ha/năm, sông Đa Độ còn cung cấp nguồn nước thô đầu vào cho 2 nhà máy sản xuất nước sinh hoạt lớn là Nhà máy nước Cầu Nguyệt, Nhà máy nước Đình Vũ và gần 30 nhà máy nước sạch nông thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hơn 30% dân số Hải Phòng”.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ tổ chức đắp đập, be bờ ngăn ô nhiễm đoạn sông đi qua địa phận huyện An Lão, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Sinh Phạm). |
Để bảo đảm dòng chảy cho sông Đa Độ, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ đã vận động các hộ dân giải tỏa 110 ha/150 ha ao đầm, vườn ruộng mở rộng lòng sông từ 50-60m lên 90-130m. Đồng thời, tháo dỡ hơn 2.000m² nhà cửa, vật kiến trúc, chặt bỏ khoảng 300 nghìn cây trên bờ và trong lòng sông trong phạm vi công trình thủy lợi.
Trước thực trạng có nhiều điểm xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ đề xuất thành phố xây dựng hệ thống cống một chiều ngăn không cho nước tại các kênh, mương có nguy cơ gây ô nhiễm chảy ra sông Đa Độ. Đến nay, Tp.Hải Phòng hoàn thành xây dựng 50 trên tổng số 110 cống dự kiến. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức đắp hệ thống đập có chiều dài khoảng 110 km chuyển hướng dòng chảy từ các kênh, mương có nguy cơ gây ô nhiễm sang sông Văn Úc và sông Lạch Tray. Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ hoàn thành đắp hơn 60 km đập.
Việc xây cống, đắp đập, be bờ chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để "giải cứu" sông Đa Độ khỏi các nguồn gây ô nhiễm (Ảnh: Sinh Phạm). |
Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, thừa nhận, việc “đắp đập, xây cống” ngăn ô nhiễm kể trên chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Về lâu dài, để “giải cứu” sông Đa Độ khỏi các nguồn gây ô nhiễm, Tp.Hải Phòng cần đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu dân cư, làng nghề. Đối với các trang trại, nhà máy, xí nghiệp dọc 2 bờ sông, kiên quyết đóng cửa trong trường hợp không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp xuống sông như hiện nay.
Tác giả: Thái Phan- Tân Thắng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dong-song-oan-minh-ganh-xa-thai-a139107.html