Ngày 18/5/2023 và 25/5/2023, Người Đưa Tin đăng 2 bài viết: “Các hộ nuôi cá khốn khổ vì lồng bè đóng bằng nhựa HDPE” và “Chờ bàn giao mặt nước, lồng HDPE của hộ dân chưa dùng đã hỏng” phản ánh về thực trạng lồng bè bằng nhựa HDPE toàn phần đóng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng không phù hợp với nghề nuôi cá ở Cát Bà, nhanh xuống cấp, nhiều bè đóng mới nhanh hỏng, bị bỏ không... Trong khi đó, chính quyền Tp.Hải Phòng và huyện Cát Hải chưa chấp thuận lồng bè mà các hộ tiến hành sửa chữa, cái hoán có vật liệu nâng nổi bằng nhựa HDPE, khung bè và nhà chòi bằng gỗ theo truyền thống.
Lồng bè đóng mới bằng nhựa HDPE toàn phần có giá hơn 2 tỷ đồng để không dài ngày do không phù hợp với nghề nuôi cá ở Cát Bà (Ảnh: Sinh Phạm). |
Sau đó, liên tiếp trong các ngày 8, 13 và 14/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã phối hợp UBND huyện Cát Hải tổ chức kiểm tra, rà soát 83 cơ sở nuôi cá bằng lồng bè (15 hộ đã đóng mới bằng nhựa HDPE toàn phần, còn lại là sửa chữa, cải hoán). Trong đó, tại khu vực Bến Bèo- Hang Vẹm- Vụng O có 71 cơ sở; vịnh Lan Hạ có 3 cơ sở; Gia Luận có 5 cơ sở; 4 cơ sở còn lại đang neo đậu tạm thời tại khu vực biển thuộc huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, chưa di chuyển về khu vực vịnh thuộc quần đảo Cát Bà do đang chờ chủ trương đồng ý của UBND huyện Cát Hải.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, ngày 30/6/2023, căn cứ vào kết quả kiểm tra, rà soát và nguyện vọng của bà con nuôi cá lồng bè, đơn vị có báo cáo gửi UBND Tp.Hải Phòng. Trong đó, đề xuất UBND Tp.Hải Phòng đồng ý cho 83 cơ sở đã đóng mới, sửa chữa, cải hoán trước ngày 18/11/2022 được tạm thời tham gia nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đến ngày 31/12/2025.
Thay vì “ép” người nuôi cá phải đóng mới lồng bè bằng nhựa HDPE toàn phần, cơ quan chức năng Tp.Hải Phòng yêu cầu các hộ phải đáp ứng một số điều kiện, quy chuẩn theo quy định. Trong đó, hệ thống nhà vệ sinh, thu gom nước thải sinh hoạt phải bảo đảm nước thải được xử lý đạt QCVN 14-2008, cột B trở lên trước khi thải ra môi trường; diện tích bè (gồm cả nhà chòi, sân kỹ thuật) không vượt quá 320 m2; bố trí tối đa không quá 2 lao động trên bè nuôi; không được chuyển bè nuôi thành nơi cư trú hộ gia đình; không nuôi thả các loại gia súc, động vật trên bè nuôi…
Lồng bè ở Cát Bà đã được sửa chữa, cải hoán theo hướng nuôi cá kết hợp với du lịch (Ảnh: Sinh Phạm). |
Chiều 4/7/2023, trao đổi với Người Đưa Tin, anh Bùi Văn Luyện, ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, cho biết, khi nhận được thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng có văn bản đề xuất UBND Tp.Hải Phòng chấp thuận cho các hộ nuôi cá lồng bè tiếp tục được làm nghề mà không phải đóng bè HDPE toàn phần, người làm nghề nuôi cá ở Cát Bà rất vui mừng, phấn khởi.
Anh Bùi Văn Luyện đồng thời bày tỏ nguyện vọng của bà con làm nghề nuôi trồng cá lồng bè ở Cát Bà mong chính quyền Tp.Hải Phòng sớm chấp thuận đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu được chấp thuận, bà con sẵn sàng tiến hành sửa chữa, cải hoán những hạng mục chưa đúng theo yêu cầu để tiếp tục làm nghề, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển du lịch.
Theo thông tin từ UBND huyện Cát Hải, thực hiện chủ trương di dời, sắp xếp lại các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà của Tp.Hải Phòng, tính đến đầu tháng 7/2023, chính quyền địa phương đã bàn giao khu vực biển cho 6 hộ, gồm: chị Lê Thị Hoa, chị Trần Thị Xuyên, anh Cao Văn Hải, anh Đỗ Tiên Phong, chị Vũ Thị Thư và anh Nguyễn Đình Cảnh. Các hộ còn lại thuộc diện được tiếp tục nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định, UBND huyện Cát Hải đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục sớm bàn giao khu vực biển để bà con yên tâm sản xuất.
Tác giả: Ngô Quang Thái
Nguồn tin: nguoiduatin.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nguoi-nuoi-ca-o-cat-ba-khong-bi-ep-phai-dong-long-be-hdpe-a139549.html