Trước đó, chiều 11/7, nhiều người dân đi tập thể dục quanh khu vực hồ An Biên phát hiện cá chết nổi hàng loạt trên bề mặt hồ liền thông tin đến cơ quan chức năng.
Ông Lê Văn Trường thông tin vụ việc. Ảnh: Đinh Huyền. |
Ông Lê Văn Trường (76 tuổi, ở phố Hàng Kênh, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, đây không phải là lần đầu có hiện tượng cá chết ở hồ An Biên. “Sáng nay, tôi thấy công nhân đi thuyền ra vớt được mấy thuyền cá. Thời điểm này hằng năm, hay có hiện tượng chết cá, nhất là khi thời tiết nắng nóng cực đoan như thế này. Toàn là cá rô phi thôi, chứ cá sông khỏe, không chết được”, ông Trường nói.
Sau khi nhận được tin báo, công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng đã điều động nhân lực và phương tiện xuống hiện trường, nhanh chóng tiến hành xử lý vụ việc.
Lượng cá trục vớt được ước tính là 3 tạ. Ảnh: Fb. Vũ Dũng |
Cụ thể, tập trung lực lượng cán bộ công nhân viên (bao gồm xí nghiệp thoát nước Ngô Quyền và một số đơn vị khác trực thuộc công ty) để vớt cá chết nhanh chóng và triệt để. Nhờ đó, giảm thiểu tối đa việc phát tán mùi hôi tanh cũng như mất mỹ quan đô thị khu vực hồ An Biên. Đồng thời, đơn vị cho tiến hành rắc vôi bột khử trùng, bố trí các trang thiết bị (thuyền, xe chở rác, thùng téc có nắp đậy, nilong bọc miệng téc) để phục vụ công tác vớt cá, vận chuyển về nơi xử lý.
Đến 9 giờ cùng ngày, cơ bản tình trạng cá chết tại khu vực hồ An Biên đã được kiểm soát, lượng cá chết đã giảm thiểu nhiều. Để chủ động phòng tránh phát sinh tình huống tương tự, công ty bố trí công nhân túc trực liên tục, làm việc từ sáng sớm đến chiều tối muộn, bao gồm cả ngày nghỉ.
Rắc vôi bột khử trùng sau khi thu vớt cá chết. Ảnh: Đinh Huyền |
Theo đánh giá sơ bộ của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, nguyên dẫn đến tình trạng trên là do tình trạng nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 39o-40oC.
Khi đó, mặt trên của các mương hồ nhiệt độ nước mặt đôi khi lên đến 36o-38oC, nhiệt độ này nằm ngoài giới hạn nhiệt độ của các loài cá thông thường như các rô phi. Nhiệt đổ ấm lên làm thúc đẩy quá trình phát triển của các đám tảo dưới nước với tốc độ nhanh hơn khiến chúng hấp thụ oxy nhiều hơn và lấy hết dưỡng khí của cá, lượng oxy trong nước giảm thấp khiến cá thiếu oxy và chết.
Nhiệt độ lên cao quá trình chuyển hóa hóa học, phản ứng sinh hóa dẫn đến thiếu oxy trong tầng đáy. Thiếu oxy dẫn đến quá trình phân hủy thiếu khí tạo thành các khí độc NH3, H2S, CH4 sẽ dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và bệnh sẽ phát triển.
Về con nước, các ngày từ mùng 9 đến 11 tháng 7, nước trên sông là nước 3 đừng nên không thể thau rửa nước trong các hồ điều hòa được, đặc biệt là khu vực hồ Mắm Tôm – An Biên. Trong khi đó, cá rô phi là loài sinh sản nhanh, khi thau rửa nước mương hồ, một lượng cá tự nhiên không nhỏ đã theo con nước vào các mương hồ sinh sống và sinh sản tạo nên một mật độ cá lớn tại một số thời điểm ở các mương hồ điều hòa trong thành phố.
Ngoài ra, việc thời tiết nắng nóng, cùng với đó là việc thau rửa nước mương hồ gặp khó khăn nên đã gây nên tình trạng ngột khí của cá rô phi dẫn đến cá chết dải rác trong các ngày qua.
Hồ An Biên đã trong xanh trở lại. Ảnh: Đinh Huyền |
Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực trên. Khi có con nước, lập tức tiến hành lấy nước và thau rửa nước cho các mương hồ điều hòa này./.
Tác giả: Khải Anh
Nguồn tin: moitruongvadothi.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/vi-sao-ca-chet-noi-hang-loat-tren-ho-an-bien-hai-phong-a139631.html