Theo tạp chí Đầu tư tài chính, chốt phiên giao dịch 16/8, giá cổ phiếu VFS của VinFast ở mức 30,11 USD/cổ phiếu, giảm 18,8% so với phiên giao dịch trước. Tổng lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị. Mức giá cao nhất của VFS trong phiên giao dịch ngày 16/8 là 30,5 USD/cổ phiếu trong khi giá thấp nhất là 24,16 USD/cổ phiếu.
Lượng cổ phiếu được nhà đầu tư "sang tay" trong phiên chỉ đạt hơn 2,8 triệu cổ phiếu, sụt giảm hơn 2,4 lần so với phiên trước.
Với thị giá vừa được xác lập, vốn hóa thị trường của VinFast tụt xuống mức 70 tỷ USD, giảm 15 tỷ USD so với phiên ra mắt.
Giá cổ phiếu VFS giảm sau phiên giao dịch ngày 16/8. Ảnh: Vietnam Finance |
Trước đó, tạp chí VnEconomy đã dẫn nhận định của Bloomberg rằng sự gia tăng tài sản ngày 15/8 của ông Phạm Nhật Vượng có thể sẽ không duy trì lâu.
Trong lịch sử chứng khoán Mỹ, nhiều cổ phiếu không được giao dịch nhiều nhưng tăng dữ dội sau khi công ty đó sáp nhập với một công ty dạng SPAC, thay vì lên sàn bằng cách phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nhiều cổ phiếu lên sàn theo cách này đã có một số phiên đầu tiên tăng mạnh, vì nhà đầu tư muốn kiếm lời nhanh.
Theo dữ liệu của Bloomberg, các công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng thông qua sáp nhập với SPAC chào sàn trong ở Mỹ năm nay đã chứng kiến mức giảm giá cổ phiếu trung bình 45%, trong đó có 18 công ty mất hơn 70% giá trị vốn hoá.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, mặc dù có hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng VinFast chỉ tung ra khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong số đó cho nhà đầu tư có thể mua bán tự do (free float) trên sàn chứng khoán.
Số cổ phiếu có sẵn để giao dịch so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành quá chênh lệch, phản ánh tỷ lệ free float của VinFast nằm mức rất nhỏ.
tỷ lệ free float của một cổ phiếu được xem là một thước đo quan trọng, đánh giá được những rủi ro tiềm ẩn trong đầu tư.
Đặc điểm của cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ là chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động mạnh (tăng sốc, giảm sâu). Tính thanh khoản hạn chế, nhà đầu tư có thể đối mặt với việc khó bán lại, khó xoay nguồn vốn.
Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động tăng - giảm giá chậm hơn, nhà đầu tư tự do chuyển nhượng hơn.
Khi VinFast ra mắt sàn chứng khoán Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast, cho biết: "VinFast sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường quốc tế, tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới và đem các sản phẩm xe điện đến gần hơn với tất cả mọi người".
Xem thêm: CEO VinFast: Vốn hóa cổ phiếu vượt 85 tỷ USD nằm ngoài tưởng tượng
Có thể thấy việc VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ là nỗ lực rất lớn, không chỉ mang đến lợi thế lớn về mặt thương hiệu, mà còn mở rộng mối quan hệ với những doanh nghiệp toàn cầu. Song song đó, huy động vốn chính là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp đang hướng đến.
Lưu ý, tỷ lệ free float cao thường sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng huy động vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc tăng vốn điều lệ, từ đó thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh. Với diễn biến hiện nay, cần thêm thời gian để đánh giá tốt hơn về cổ phiếu cũng như nắm rõ hơn tình hình huy động vốn của VinFast.
Tác giả: Vân Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.com
Link nội dung: https://haiphong24h.org/co-phieu-vinfast-tang-soc-giam-sau-vi-sao-a140491.html