Bộ Tài chính cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thời gian gần đây, tình trạng mạo danh cơ quan thuế trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân và doanh nghiệp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn ngày một tinh vi.
Để cảnh báo người dân, doanh nghiệp cảnh giác với các chiêu thức, thủ đoạn mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thời gian qua (đặc biệt trong giai đoạn từ 15/7 đến nay), ngành Thuế đã thực hiện đồng bộ các biện pháp truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông trong toàn hệ thống thuế.
Cơ quan thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh). |
Theo Bộ Tài chính, ngày 20/7, Tổng cục Thuế đã có công văn số 3041/TCT-CNTT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến dịch ‘‘Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”.
Ngày 3/8, Tổng cục Thuế đã xây dựng bộ tài liệu với nội dung tuyên truyền về ngăn chặn phòng chống giả mạo cơ quan thuế trên môi trường mạng và gửi các cơ quan thông tấn báo chí và các Cục Thuế tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, vào ngày 25/7, Công an Phường Sài Đồng, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị V. (SN 1973; ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bị một đối tượng giả danh là cán bộ chi cục thuế gọi điện.
Đối tượng có gửi một đường link và hướng dẫn chị V. truy cập để cài đặt phần mềm nộp thuế. Sau khi truy cập vào đường link để cài đặt phần mềm, chị V. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 400 triệu đồng. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa đảo và đến cơ quan công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan thuế qua các đường dẫn hoặc các hướng dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.
Các đối tượng còn dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như: deepfake, deep voice... để tạo ra các video giả mạo cán bộ thuế để lừa đảo. Nếu người dùng cài đặt phần mềm giả mạo có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, máy tính của người dùng từ xa để thực hiện: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Đặc biệt, các tin nhắn xác thực mã OTP, việc truy cập, chuyển tiền đều bị phần mềm gián điệp ẩn (không hỗ trợ cho người dùng) và chuyển cho các đối tượng lừa đảo mà chủ điện thoại không hề hay biết.
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng mạo danh cơ quan thuế lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Tổng cục Thuế khuyến cáo người dân, DN cần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác. Khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn.
Khi người nộp thuế (NNT) vừa truy cập website mà đã được yêu cầu cung cấp những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, số CMND/CCCD thì nên cảnh giác và không thực hiện theo yêu cầu. Cơ quan thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh).
Không nhận các bưu phẩm có trả tiền “Tài liệu Luật Thuế". Trường hợp nhận được các tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi bất thường hay có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lĩnh vực thuế, NNT cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn, số điện thoại hoặc ghi âm cuộc gọi. NNT đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của cơ quan Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xem xét xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Máy tính của NNT cần phải có phần mềm phòng chống mã độc để phát hiện ngăn chặn các phần mềm độc hại, ăn cắp thông tin; hạn chế cài các phần mềm không rõ nguồn gốc lây lan mã độc, cảnh giác các email lạ, file lạ, đường link lạ ...
Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo NNT, DN chỉ khai thác thông tin trên trang web, ứng dụng chính thống của cơ quan thuế. Theo đó trang thông tin chính thống của ngành thuế sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”(ví dụ: Trang thông tin Tổng cục Thuế có tên miền: https://gdt.gov.vn). Các thông tin liên quan đến công tác của cơ quan thuế với NNT đều được công khai tại địa chỉ trang web chính thống của cơ quan thuế.
Khi NNT cần thông tra cứu thông tin có thể tải các ứng dụng phần mềm, hoặc app mobile chính thống của Tổng cục Thuế như (Etaxmobile, tra cứu hóa đơn điện tử) từ kho chợ của Apple store và Google Store.
Tác giả: Diệp Diệp
Nguồn tin: Báo VOV
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bo-tai-chinh-canh-bao-tinh-trang-gia-danh-can-bo-thue-tren-khong-gian-mang-a140938.html