Việt Nam có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm tới hơn 73% dân số cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ TN&MT, tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%; Tỉ lệ tái chế khoảng 3,24%; Còn lại phần lớn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp vào môi trường.
Một thống kê khác cũng cho thấy, khoảng 50% các xã trong toàn quốc đã thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt, song tỉ lệ thu gom chưa đáp ứng được nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm.
|
Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Bài toán rác thải nông thôn đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế. Tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Câu chuyện tập kết và xử lý rác thải tại xã Tam Đa huyện Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng) cũng đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận người dân. Theo đó, bãi rác của xã Tam Đa nằm sát đê sông Thái Bình không có tường quây, không có công trình xử lý rác thải theo quy định.
Bãi tập kết rác thải sinh hoạt của xã Tam Đa cạnh sông Thái Bình. |
Mỗi ngày, ước tính có khoảng 1 tấn rác thải sinh hoạt các loại của hơn 4000 hộ dân của xã Tam Đa được tập kết tại đây. Các loại rác thải sinh hoạt như: túi nilon, nhiều loại chai lọ các loại, túi sách, rác thải rắn.…
Trong đó, chất thải nilon gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Trong rác thải sinh hoạt còn có các loại nhựa khác cũng có chứa các loại nhựa phế thải. Rác thải nilon thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE.
Nhiều loại rác thải được tập kết tại đây. |
Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
Đoạn nối trực tiếp từ sông Thái Bình vào bãi tập kết rác thải xã Tam Đa. |
Anh Tuấn (người dân sinh sống gần bãi rác xã Tam Đa) cho biết, mình sinh sống bằng nghề nuôi rươi, đánh bắt cá ven sông Thái Bình để sinh sống nuôi gia đình. Nhưng từ lúc có bãi rác ven sông thì công việc đánh bắt cá không còn hiệu quả nữa. Nước thải trong bãi rác chảy trực tiếp ra sông gây ô nhiễm nguồn nước cho nên tôm, cá ít đi.
|
Bên cạnh đó, việc nuôi rươi của anh Tuấn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Hàng năm nuôi rươi thu hoạch cũng được 1 tấn/1 vụ nhưng bây giờ thì cũng chỉ được 5 tạ/ 1 vụ, thu nhập gia đình anh kém hẳn", anh Tuấn cho biết.
Ngoài ra, việc đốt rác tại bãi rác xã Tam Đa xảy ra thường xuyên khiến gió thổi thẳng vào trong làng, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sông quanh khu vực đó.
Bãi nuôi rươi của người dân cạnh bãi tập kết rác thải của xã Tam Đa |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Qua phản ánh của người dân, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Lê Minh Tuân, Chủ tịch UBND xã Tam Đa. Ông Tuân cho biết, việc tập kết rác thải sinh hoạt tại ven sông Thái Bình đã được đưa vào quy hoạch làm bãi đổ rác thải sinh hoạt của xã Tam Đa. Hàng tháng, hàng quý địa phương cho máy xúc vào san ra và rắc vôi phun thuốc khử trùng. UBND xã Tam Đa cũng đã đề xuất với thành phố về xây dựng khu xử lý rác thải nhưng đề xuất chưa được thành phố phê duyệt.
Về vấn đề đốt rác thải sinh hoạt tại bãi rác Tam Đa, ông Tuân khẳng định là địa phương không cho đốt, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Rác thải được đốt làm ô nhiễm môi trường. |
Được biết với những loạirác thải nhựa đốt để xử lý, sẽ sinh ra các loại khí độc bao gồm: khí dioxin, furan… ảnh hưởng rất lớn đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, thậm chí gây ung thư. Trong một số loại túi nilon có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất... vì thế khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành các loại axit sunfuric gây ra mưa axit vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người và sinh vật.
Theo lãnh đạo Cục trưởng Môi trường: Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập, việc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư công tác quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, xã hội, tự nhiên từng địa phương, từng vùng miền. Mặt khác, các địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn vận hành lò đốt, chưa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung. |
Tác giả: Duy Mạnh - Trần Đông
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-phong-bai-rac-ven-song-gay-o-nhiem-moi-truong-o-xa-tam-da-a141138.html