Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về bviệc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011-2019.
Theo đó, về việc chấp hành pháp luật thanh tra, trình tự thủ tục của nhiều cuộc thanh tra chưa đảm bảo; chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, có cuộc thanh tra thể hiện chưa cương quyết xử lý sai phạm được phát hiện qua thanh tra, hoặc căn cứ kiến nghị xử lý chưa đảm bảo.
Về tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn thấp, trung bình chỉ đạt 20,3%. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tiếp dân đạt 5,6% so với quy định; một số địa phương đơn vị tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ rất thấp trong khi địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, cụ thể: TP. Dĩ An (18,8%), huyện Bàu Bảng (15,3%)… Đặc biệt, có 7/11 đơn vị cấp sở trong suốt thời kỳ thanh tra, người đứng đầu đơn vị không tiếp công dân định kỳ.
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Phạm |
Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của tỉnh Bình Dương tuy đạt được kết nhất định, nhưng nhiều vụ việc, trình tự, thủ tục giải quyết chưa đảm bảo theo quy định như không có kế hoạch kiểm tra, xác minh; không ban hành thông báo thụ lý; công khai không đầy đủ; lộ danh tính người tố cáo… Một số vụ việc khiếu nại đã có chỉ đạo của Thủ tướng, bộ, ngành Trung ương nhưng địa phương chậm triển khai thực hiện.
Trong khi đó, việc công khai, minh bạch trong công tác mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản hầu hết còn chưa đầy đủ, các vi phạm phổ biến như: Chưa công khai đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (chiếm 87,1%); vi phạm trong việc lập hồ sơ mời thầu, vi phạm điều cấm trong Luật Đấu thầu (chiếm 15,7%).
Về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác còn mang tính hình thức; 100% các đơn vị được kiểm tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của Nghị định 158/2007 của Chính phủ. Các địa phương, đơn vị thực hiện pháp luật trong việc chuyển đổi vị trí công tác chưa đáp ứng gồm: Sở Xây dựng; TT&TT; Nội vụ; Y tế… các đơn vị cấp huyện gồm: huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TX. Tân Uyên, TP. Dĩ An...
Tương tự, việc kê khai tài sản thu nhập, thực hiện còn mang tính hình thức. Cụ thể có 52,4 % số đơn vị, địa phương được kiểm tra có vi phạm về việc lập, phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai, 95,2% vi phạm về lập số giao nhận bản kê khai; 85,7% vi phạm về kế hoạch công khai bản kê khai; 90,5% vi phạm về việc công khai…
Đáng chú ý, kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết 10 vụ án tham nhũng đã được xét xử với 24 bị can nhưng không có lãnh đạo nào bị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, vi phạm quy định tại Nghị định 107/2006 và Nghị định 218/2013 của Chính phủ. Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trách nhiệm này thuộc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh...
Kết luận, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với thủ trưởng địa phương, đơn vị trực thuộc không tổ chức tiếp công dân trong suốt thời kỳ từ 2014-2019 hoặc tiếp công dân không đủ số ngày theo quy định.
Xem xét trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện kết luận, chỉ đạo giải quyết khiếu nại của Thủ tướng; Không chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc lộ thông tin người tố cáo.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc không tổ chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Sở Y tế, TP. Dĩ An; huyện Bắc Tân Uyên…
Tác giả: Vũ Phạm
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư
Link nội dung: https://haiphong24h.org/10-vu-an-tham-nhung-o-binh-duong-da-xet-xu-nhung-khong-co-lanh-dao-nao-bi-xu-ly-a141403.html