Những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ trên các trang mạng xã hội gần đây đã khiến dư luận lo ngại và phẫn nộ về sự gia tăng cùng tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng.
Có thể kể một số trường hợp. Ngày 3/6 vừa qua, trong tiệc chia tay cuối cấp THCS, em T.V.V. 15 tuổi, học sinh lớp 9C, Trường THCS Hưng Thủy, (Lệ Thủy, Quảng Bình) xảy ra xích mích với một số bạn cùng trường. Sau đó em V. bị nhiều bạn lao vào đánh, phải nhập viện. Do tinh thần hoảng loạn và bị thương tích, em V. phải bỏ lỡ Kỳ thi vào lớp 10 diễn ra vào ngày 7/6.
Mới đây nhất, ngày 27/9 vừa qua, một nữ sinh lớp 9 trường THCS Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị 3 bạn khác trường chở bằng xe máy đến đoạn đường vắng dẫn vào rừng keo ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Nhóm này đã túm tóc, tát vào mặt bạn. Dù nạn nhân khóc, van xin nhưng 3 bạn này không dừng tay, một người còn quay video và dọa đăng lên mạng xã hội.
Các nữ sinh đánh, lột áo bạn. Ảnh:Cắt từ video |
Ngày 29/9, video dài 3 phút về vụ đánh nhau lan truyền trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu do nhóm nữ sinh có mâu thuẫn, thách thức nhau trên mạng từ trước đó.
Bạo lực học đường không còn giới hạn ở việc học sinh đánh học sinh mà còn có vụ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh.
Cũng trong ngày 29/9, đoạn clip cô giáo túm cổ áo kéo lê học sinh tại hành lang lớp học ở Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) được tung lên mạng xã hội đã gây chấn động và bức xúc trong dư luận.
Cô giáo nắm cổ áo học sinh lôi vào lớp. Ảnh cắt từ video |
Sự việc này đến từ một nguyên rất khó tin. Em học sinh lớp 12 trong clip, bị giáo viên chủ nhiệm túm cổ áo, kéo lê ở hành lang chỉ vì em được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng lại đặt bánh khác với đã thống nhất cùng cô giáo chủ nhiệm nên bị phạt…
Theo các chuyên gia tâm lý, bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, nhưng những năm gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Đây là vấn đề nhức nhối trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” song những hậu quả để lại kéo theo những hệ lụy khó lường cho xã hội.
Làm thế nào để chấm dứt nỗi ám ảnh bạo lực học đường?
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, vấn đề bạo lực học đường xảy ra đã lâu, mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục rất nhiều nhưng các vụ việc vẫn liên tục xảy ra, năm sau cao hơn năm trước. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông An cho rằng, những sự việc xuất hiện trên báo chí mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Bởi gần đây có những sự vụ bạo lực rất tàn bạo, học sinh đánh học sinh, thầy cô giáo đánh học sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ... Nghiêm trọng hơn, có những em nhỏ đã phải tìm đến cái chết, khi điều tra thì nguyên nhân là do bạo lực học đường, bị nói xấu, bị đe dọa trên mạng xã hội.
Ông An khẳng định, những vụ bạo lực học đường cho thấy, ngành giáo dục hiện nay chưa có chuẩn mực đạo đức học đường cho từng cấp học, cho từng lứa tuổi phù hợp.
“Việc giáo dục về tâm lý, kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế, đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng và cần phải thay đổi; Cần tăng cường giáo dục về kỹ năng, về đạo đức, lối sống cho trẻ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức và chạy theo thành tích. Phải chăng, sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn các vụ bạo lực học đường gia tăng, học trò đánh học trò, thầy cô giáo bạo hành học sinh”, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.
Theo ông An, để hạn chế bạo lực học đường, biện pháp đầu tiên là giáo dục gia đình. Do áp lực cơm, áo, gạo, tiền nên vấn đề giáo dục trong gia đình từ lâu đã bị coi nhẹ. Nhiều nhà phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều bậc cha mẹ không lắng nghe trẻ nói, sao nhãng việc giáo dục con, chỉ đến khi xảy ra các sự việc đáng tiếc thì mới tỉnh ngộ.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và thường xuyên dùng roi vọt để giáo dục con. Một đứa trẻ khi bị đánh nhiều quá sẽ trở thành một đứa bé lì lợm và xuất hiện mầm mống bạo lực. Dù ở trường hay ở nhà, đứa bé đều có thể dùng bạo lực với anh em hay bạn bè. Do đó, vấn đề giáo dục gia đình là cốt lõi.
“Luật trẻ em 2016 đã quy định là kiện toàn mạng lưới bảo vệ trẻ em 3 cấp độ. Đó là phải có mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng; Phải có mạng lưới công tác hội, phải có giáo viên tâm lý học đường trong các nhà trường để hỗ trợ, ổn định tâm lý cho học sinh, từ đó mới giảm thiểu được tình trạng bạo lực học đường”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.
Trở lại với câu chuyện cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh tại hành lang lớp học của Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), ông An khẳng định, việc mua nhầm bánh sinh nhật của học sinh là chuyện quá nhỏ để cô giáo bắt lỗi và có hình thức phạt thiếu văn hóa như vậy. Những hành động này của cô giáo không chỉ là hành động thiếu chuẩn mực mà còn là hành động vô cảm trong bối cảnh học sinh này đang có vấn đề về sức khỏe, đó là xúc phạm nhân phẩm học sinh, là bạo lực học đường đúng nghĩa.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp |
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, những hình ảnh thể hiện trong clip cho thấy, hành vi ứng xử của cô giáo là không phù hợp. Một sự việc khá nhỏ không đáng để có hành động lôi kéo, lớn tiếng như vậy trước rất nhiều em học sinh, nhất là trong điều kiện sức khỏe của em học sinh không được tốt và trạng thái tâm lý thì bất ổn. Đáng nói hơn, đây là cô giáo dạy môn giáo dục công dân, là giáo viên chủ nhiệm lớp. Thay vì ôn tồn giải thích hoặc có những ứng xử phù hợp thì cô giáo này lại trút sự bực tức lên đầu cho học sinh, dẫn đến những hành động phản cảm, thiếu tính giáo dục. Hiện nay cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh, chưa có kết luận cuối cùng.
Trường hợp có căn cứ cho thấy, cô giáo có hành vi bạo hành, mà cụ thể là hành vi làm nhục người khác, hành hạ người khác, để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh thì có thể bị xử lý hình sự; Trường hợp có hành vi bạo lực học đường mà chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội và để lại hậu quả nghiêm trọng thì cũng có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật đối với giáo viên đó. Cơ quan công an sẽ làm rõ giáo viên này giảng dạy ở trường dưới hình thức nào, là viên chức hay là giáo viên hợp đồng, đã giảng dạy bao lâu rồi, trong quá trình làm việc đã chấp hành kỷ luật thế nào, việc phạt học sinh như vậy là phù hợp với pháp luật hay chưa?
Luật sư Cường khẳng định, đây là hành động không thể chấp nhận được, không được phép xảy ra trong một môi trường giáo dục vì bất cứ lý do nào. Đó là hành động phản giáo dục, phản sư phạm… Giáo viên này xứng đáng nhận một mức kỷ luật nghiêm khắc hơn rất nhiều so với việc chỉ nhắc nhở về hành vi, chuyển công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm sang giáo viên khác.
“Với những gì đã diễn ra công khai trên clip thì việc đình chỉ công tác của giáo viên hoặc chuyển sang làm công việc khác để chờ cơ quan chức năng xác minh là điều cần thiết, để ổn định tâm lý cũng như suy nghĩ của các học sinh trong lớp và tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra. Môi trường giáo dục là môi trường đòi hỏi giáo viên phải là người chuẩn mực, phải nêu gương và phải có ứng xử phù hợp, thể hiện sự vị tha, lòng nhân ái, tình yêu với con trẻ, có như vậy thì hoạt động giáo dục mới thực sự hiệu quả. Bản thân các thầy cô giáo là những người rao giảng về đạo đức mà có hành vi ứng xử không phù hợp thì bài giảng có hay đến mấy nhưng bản thân các thầy cô không làm gương thì hiệu quả giáo dục sẽ không đạt được như mong muốn”, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
Tác giả: Chung Thủy
Nguồn tin: Báo VOV
Link nội dung: https://haiphong24h.org/co-giao-tum-co-hoc-sinh-hoc-sinh-danh-hoi-dong-ban-am-anh-bao-luc-hoc-duong-a141479.html