Đến với trẻ khuyết tật từ một bài báo
Vừa bế một em bé khóc liên tục vừa đi lại trong căn phòng để em cảm thấy quen và an toàn, cô Tuyết còn hát cho em nghe. Việc đi lại và hát có thể kéo dài hàng giờ và cô giáo chỉ ôm học trò bằng một cánh tay duy nhất. Đó là công việc quen thuộc của cô Tuyết trong suốt quãng thời gian gắn bó với trẻ tái hòa nhập độ tuổi từ 0-6 tuổi ở trung tâm này.
Cô Võ Thị Tuyết tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật với nhiều |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Củ Chi, cô Tuyết cho biết, cánh tay phải của mình đã bị mất trong một lần trúng bom đạn chiến tranh khi cô còn nhỏ.
Sau này, gia đình cô Tuyết chuyển về Đồng Nai sinh sống. Còn cô Tuyết sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM ngành Ngữ văn thì được phân công về dạy học tại một cô nhi viện ở Đồng Nai trong 4 năm.
Năm 1995, trong lúc nghỉ thai sản, cô Võ Thị Tuyết tình cờ đọc được một bài báo về Trung tâm Nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật) có dạy các em học sinh khuyết tật trí tuệ. Cô Tuyết mong muốn được góp phần vào công việc này nên đã liên hệ với Trung tâm để xin vào dạy.
Từ một cô giáo dạy Ngữ văn cho học sinh cấp 3 chuyển sang dạy trẻ khuyết tật, cô Tuyết đã gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ từ trung tâm, đồng nghiệp và quá trình tự học, cô Tuyết dần tìm ra được cách tiếp cận cùng phương pháp tốt nhất cho học sinh của mình. Và hơn hết, cô hiểu và đồng cảm được nỗi đau của phụ huynh có con bị khuyết tật khi tìm đến mình.
Cô Tuyết xúc động kể: “Có những hôm vào trung tâm học, cả phụ huynh và trẻ rất vui và phụ huynh nói với cô rằng: “Cô ơi, nay nó biết em rồi đó, nó biết mẹ rồi đó cô. Nó chỉ được mẹ rồi cô em mừng quá. Đáng lý ra đứa trẻ lớn lên ở độ tuổi biết nói thì nó sẽ nói được, nhưng đằng này có những đứa trẻ không nói được và các em cũng không nhận ra được đó là người thân, ba mẹ. Cho nên khi các em nhận ra được, phụ huynh mừng ra nước mắt luôn".
Ông Phan Hùng Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật cho biết, trong quá trình công tác, cô Tuyết là một người đã đóng góp rất nhiều cho trung tâm, nhất là với mảng chương trình can thiệp sớm dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Cô cũng giúp đỡ được rất nhiều phụ huynh: “Cô có những sáng kiến, chia sẻ những kinh nghiệm và cả chia sẻ bồi dưỡng cho phụ huynh cũng như có hàng loạt các sáng kiến kinh nghiệm cho trẻ khuyết tật trí tuệ từ năm 1997 đến nay, đã cống hiến nhiều cho đơn vị nói riêng và ngành giáo dục khuyết tật nói chung.”
Hạnh phúc vì luôn có gia đình và phụ huynh đồng hành
Hơn 26 năm nay, mỗi ngày cô Tuyết đều dậy từ sớm, đi 2 chuyến xe buýt từ huyện Hóc Môn lên trụ sở Trung tâm ở Quận 3, TP.HCM.
Trong công việc, cô Tuyết đã biến khuyết một cánh tay của mình thành lợi thế. Cô kể, với những động tác như vỗ tay, tạo tương tác với học sinh, cô thường gợi ý học sinh giúp mình. Nhờ thế các em mạnh dạn tương tác, khoảng cách giữa cô và trò gần hơn.
Cũng có lúc không thuận lợi khi cần dùng đến hai tay, nhưng cô Tuyết lại cảm thấy may mắn khi có phụ huynh đồng hành. Bởi ở những lớp can thiệp, thường chỉ có 1 cô 1 trò nên nhiều phụ huynh xin cùng tham gia và phụ huynh quan sát, đồng cảm, giúp đỡ cô khi cần.
Vừa học vừa làm, tốt nghiệp văn bằng hai ngành Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Cô Tuyết cũng hoàn thành nhiều khóa học chứng chỉ về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập, các chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tâm lý trị liệu hệ thống gia đình của Bỉ kết hợp cùng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,…Trong suốt quá trình đó, cô Tuyết không thể thiếu sự đồng hành của gia đình. Thậm chí con gái lớn của cô sau này cũng có duyên với trẻ khuyết tật khi đang làm kỹ thuật viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật: "Tôi rất biết ơn người chồng và hai đứa con. Con gái tôi đã cho tôi thêm một cánh tay vì con thương mẹ và hiểu được công việc của mẹ. Để có được tên tuổi là một cô giáo tên là Võ Thị Tuyết như ngày hôm nay dạy trẻ khuyết tật thì phần đóng góp của chồng con tôi ở trong đó rất là nhiều.”
Và cả những niềm hạnh phúc nho nhỏ không giống với những cô giáo phổ thông khác: “Hạnh phúc của tôi là phụ huynh đưa con mình về thăm cô. Những em về gặp lại cô biết rằng cô có gì khác, ví dụ như trước đây cô có tóc dài nhưng sau này về thăm các em phát hiện tóc cô không còn dài nữa, giờ tóc ngắn.”
Năm nay, cô Võ Thị Tuyết cũng là 1 trong 50 nhà giáo được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản của ngành Giáo dục TP.HCM. Tháng 12 tới đây, cô Tuyết cũng chính thức về hưu, khép lại hành trình 30 năm gắn bó với giáo dục và hơn 26 năm với công tác giáo dục trẻ hòa nhập. Những đóng góp, cống hiến của cô Võ Thị Tuyết và rất nhiều thầy cô giáo khác như những tia hy vọng để đưa những đứa trẻ tái hòa nhập sớm tự tin, đồng thời tiếp thêm niềm hy vọng vào tương lai cho chính người thân của các em.
Tác giả: Vũ Hường
Nguồn tin: Báo VOV
Link nội dung: https://haiphong24h.org/co-giao-khuyet-tat-hon-20-nam-giup-do-tre-tai-hoa-nhap-a142495.html