Tháp Nghinh Phong tọa lạc tại bãi biển phường 9, dường Nguyễn Hữu Thọ, thành phố Tuy Hòa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN) |
Quảng trường Tháp Nghinh Phong Phú Yên vừa trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á được vinh danh Giải Cảnh quan Đô thị châu Á năm 2023
Giải Cảnh quan Đô thị châu Á năm nay trao cho 9 công trình của 5 quốc gia gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Sri Lanka và Việt Nam.
Giải thưởng Cảnh quan Đô thị châu Á (gọi tắt là ATA) là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức liên quan về kiến trúc, quy hoạch đô thị, định cư con người khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các công trình, dự án đạt giải được đánh giá theo 5 tiêu chí: Thân thiện với môi trường; an toàn bền vững; tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương; chất lượng nghệ thuật cao; đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tuy Hòa Cao Đình Huy (phải) nhận giải Cảnh quan Đô thị Châu Á năm 2023 cho công trình Quảng trường Tháp Nghinh Phong, được tổ chức tại Hàn Quốc. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) |
Quảng trường Tháp Nghinh Phong được hội đồng chuyên môn của giải đánh giá cao bởi không gian cộng đồng gắn kết mọi người dân và ý tưởng xây dựng hoàn thiện công trình linh hoạt, thích ứng với điều kiện thời tiết biển khắc nghiệt.
Các địa phương Việt Nam đã tham gia và đạt giải gần đây là các công trình: Chợ nổi Cần Thơ, Phố cổ Hội An, Đô thị Đà Nẵng, Phố Bích họa Hà Nội, Quảng trường Nguyễn Tất Thành-Tuyên Quang.
Tháp Nghinh Phong được xây dựng trên quảng trường Nghinh Phong rộng lớn, tại điểm đầu của đại lộ Nguyễn Hữu Thọ giao với đường Độc Lập ở TP Tuy Hòa, là nơi đón nắng và gió biển vào sâu trong lòng đô thị.
Tháp được xây dựng từ ý tưởng của Công ty Huni Architectes (Pháp) đề xuất, thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công là tư vấn trong nước.
Tháp được tạo hình theo Di tích Quốc gia Đặc biệt Gành Đá Đĩa, gồm những khối đá hình lục giác xếp chồng lên nhau. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN) |
Công trình có ngôn ngữ kiến trúc khắc họa lại câu chuyện huyền sử Lạc Long Quân-Âu Cơ có trăm con, 50 con gái theo mẹ lên non, 50 con trai theo cha xuống biển, kết hợp với ý tưởng từ nguồn cảm hứng cảnh quan thiên nhiên gành Đá Đĩa, một Di sản Quốc gia Đặc biệt. Công trình này vừa gần gũi vừa mang giá trị văn hóa nghệ thuật cao.
Công trình tạo dựng từ 50 khối đá hình lục giác mỗi bên, ngăn chia ở giữa bằng một khe đón gió xuất phát từ ý tưởng nghinh phong. Các khối đá granite chồng lên nhau 2 bên khe nghinh phong, tạo nên 2 tòa tháp, biểu tượng của gành Đá Đĩa ở Tuy An.
Ở giữa khe nghinh phong được gắn các mảng phù điêu tạc trên những phiến đá granite, chạm khắc bởi những nghệ nhân người Phú Yên như một hình thức kể lại câu chuyện lịch sử, nhắc nhở chúng ta về cội nguồn cha ông khai phá đất và xây dựng quê hương Phú Yên.
Theo quy hoạch dọc công viên biển Tuy Hòa, các công trình chỉ được phép xây dựng cao dưới 45m so với mực nước biển, hiện tại tháp Nghinh Phong có độ cao là 42m.
Phần xây dựng có quảng trường trung tâm với diện tích 7.190m2; tháp Nghinh Phong mang tính biểu tượng tỉnh Phú Yên, công trình cấp II gồm 2 tháp đối xứng (1 tháp cao 28m, 1 tháp cao 34m so với cốt sân). Công trình có kết cấu lõi bêtông cốt thép, bên ngoài toàn bộ ốp đá granite bằng hệ neo Anchor Sus; hệ móng cọc bêtông cốt thép ly tâm ứng lực đường kính 300mm, với chu kỳ an toàn của công trình là 50 năm.
Tháp Nghinh Phong là công trình được thiết kế và thi công xây dựng với toàn bộ bên ngoài từ các bậc cấp lên xuống đến nền sân; từ đế tháp đến thân tháp được ốp bằng các phiến đá granite, một loại vật liệu có độ bền vĩnh cửu và có rất nhiều tại Phú Yên.
Ngoài ra, không có một loại vật liệu ốp lát nào hỗ trợ, đây được coi như một ý tưởng độc đáo về việc sử dụng vật liệu xây dựng, một kiến trúc mộc hiện nay tại Phú Yên, mang đậm nét văn hóa đá Phú Yên.
Tháp Nghinh Phong đẹp và rực rỡ hơn khi về đêm. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN) |
Về ban đêm, tháp Nghinh Phong được chiếu sáng với công nghệ Boline - Tesia 3D Mapoping và laze có cường độ cao, tạo nên vũ điệu ánh sáng đa sắc màu, hòa trong tiếng vi vút cất lên từ gió biển qua khe nghinh phong của tháp.
Ban ngày, tháp Nghinh Phong từ xa nhìn tựa như phần đầu một con tàu vượt sóng đại dương, những khối đá tối sáng 2 bên chồng lên nhau như những con sóng tung bọt trắng xóa bên mạn tàu.
Nếu du khách muốn có những tấm hình đẹp hãy tới đây vào buổi tối khi có ánh điện chiếu sáng cho công trình; hay ban ngày khoảnh khắc đẹp nhất là khi xế chiều, với trời xanh, biển xanh, không gian xanh.
Nói về kiến trúc nghệ thuật, phải kể đến không gian xung quanh tháp Nghinh Phong. Tháp được xây dựng trên quảng trường Nghinh Phong rộng lớn, nơi có biển trời xanh.
Quảng trường Nghinh Phong là một hạng mục trong tổng thể công viên biển Tuy Hòa xinh đẹp, phía Bắc quảng trường còn có quần thể tháp Phong Cảnh rất sinh động.
Công viên biển Tuy Hòa có chiều dài khoảng 10km từ cửa sông Đà Diễn ra đến cửa sông Đồng Nai (giáp với huyện Tuy An). Xung quanh quảng trường là những dự án du lịch sinh thái nhà thấp tầng với cây hoa màu xanh tươi mới; nơi đây có hệ thống giao thông đô thị hiện đại, có không gian thoáng đãng, không khí trong lành...
Quảng trường Nghinh Phong được coi như là biểu tượng mới của tỉnh Phú Yên tại thành phố Tuy Hòa.
Mới đây, quảng trường này được chọn tổ chức những sự kiện có quy mô lớn mang tầm vóc quốc gia đó là hình ảnh tháp Nghinh Phong được dàn dựng trình chiếu trong lễ khai mạc SEA Games 31, tổ chức Festival Sinh viên Kiến trúc Toàn quốc lần thứ XIII, lễ míttinh kỷ niệm ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022. Đây là minh chứng cho tính độc đáo của tác phẩm nghệ thuật kiến trúc này./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/kham-pha-thiet-ke-doc-dao-cua-quang-truong-thap-nghinh-phong-o-phu-yen-a142590.html