Đầu tháng 6 năm 2023, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (29 tuổi) và chồng là anh Hoàng Hồng Quân (32 tuổi) bắt xe khách từ Thanh Hóa ra Hà Nội để khám hiếm muộn. Mục đích của vợ chồng chị Ánh ngoài kiểm tra hệ thống sinh sản, còn muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm để có con.
Tại bệnh viện, hai vợ chồng có vẻ rụt rè, theo sự bố trí của bác sĩ, mỗi người được đưa đi một phòng để khám chuyên khoa. Sau một buổi sáng chờ đợi, kết quả tinh dịch đồ của anh Quân rất tốt, tinh trùng không vấn đề gì. Về phía chị Ánh, buồng trứng, tử cung, vòi trứng và cả trứng đều rất đẹp, hai vợ chồng hoàn toàn có khả năng có con tự nhiên.
Thế nhưng, 2 năm họ lấy nhau cả gia đình chờ tin vui mà vẫn chưa thấy. Khi hỏi về sinh hoạt tình dục vợ chồng, lúc này người chồng mới thổ lộ: “Qủa thực, chúng em 2 năm qua chưa bao giờ làm quan hệ đúng nghĩa”. Hay nói cách khác là không biết cách làm “chuyện ấy”.
Bác sĩ Thuận tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Trung tâm y học giới tính liên quan đến vấn đề hiếm muộn. |
Anh Quân, suốt hai năm qua mỗi lần quan hệ anh chỉ khua khua bên ngoài rồi “xuất binh”, chẳng thể xâm nhập được sâu vào bên trong. Nguyên nhân là do người vợ mới bắt đầu “lâm trận” đã kêu la, thậm chí là khóc thét vì… sợ đau.
Trực tiếp thăm khám cho người vợ, thạc sĩ-bác sĩ Phan Thị Bích Thuận (Trung tâm Y học giới tính, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra kỹ lưỡng, người vợ vẫn còn trinh và cô ấy thừa nhận chồng chưa bao giờ quan hệ mà thâm nhập được vào sâu phía trong.
“Sau khi hỏi chuyện, trao đổi, tư vấn và được sự đồng ý của bệnh nhân, chúng tôi đã tiến hành “phá trinh” (tách màng trinh) của người vợ, đồng thời phải mất một ngày để tư vấn, hướng dẫn hai vợ chồng cách bước vào cuộc “yêu”, bác sĩ Thuận cho biết.
Chị Ánh cũng kể, trước đây đã từng nghe bạn bè nói quan hệ lần đầu rất đau, vì thế mỗi khi vào cuộc “yêu” trong đầu luôn bị ám thị về sự đau đớn. Đó là lý do mỗi khi chuẩn bị nhập cuộc, chị Ánh lại khóc lóc, la hét trong đêm dù chồng chưa làm được gì.
Bác sĩ Thuận cho rằng, chính việc người chồng không thể thâm nhập vào và xuất tinh bên trong âm đạo nên người vợ chưa thể có thai. “Khi chúng tôi tách màng trinh, người vợ chia sẻ rằng không cảm thấy đau đớn gì. Từ đó giúp họ cởi bỏ được tâm lý sợ hãi và sẽ thực hiện các bước tiếp theo dễ dàng hơn. Thực tế, sau một thời gian hướng dẫn người vợ đã quan hệ được với chồng, hy vọng thời gian tới họ sẽ có tin vui”, bác sĩ Thuận tâm sự.
Việc không thể quan hệ ngoài khó có con tự nhiên còn ảnh hưởng tâm lý của cả hai vợ chồng. |
Theo bác sĩ Thuận, hiện có rất nhiều chị em dù lấy chồng rồi nhưng vẫn không hiểu rõ về bản thân, cơ thể mình, nhất là cơ quan sinh dục và hệ thống sinh sản. Nhiều người nghĩ rằng màng trinh rất nhỏ, âm đạo rất ngắn không đủ dài và rộng để dương vật đang cương cứng đưa vào. Đó là chưa kể, trong cuộc sống họ còn nghe những người đi trước kể về lần quan hệ đầu tiên rất đau đớn… Tất cả điều đó đã ám thị vào trong đầu họ cảm giác đau khi quan hệ, khiến họ sợ hãi, dù chưa quan hệ đã cảm thấy rất đau đớn.
Thậm chí, có người ám thị đến mức, người đàn ông mới để “của quý” ở ngoài họ đã kêu “đau quá, đau quá” và đẩy ra, hoặc khóc lóc van xin, khi đó người đàn ông sẽ tụt hứng, bị tâm lý không thực hiện được cuộc yêu. Tất cả những yếu tố đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng “cuộc yêu”, mà còn khiến giấc mơ làm cha mẹ rất xa vời.
Do vậy, bác sĩ Thuận tư vấn, các cặp đôi khi quan hệ nếu gặp trục trặc thì hãy đi khám càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời. Còn đối với vấn đề vô sinh, hiếm muộn theo tiêu chuẩn chẩn đoán của WHO đưa ra, các cặp vợ chồng nếu quan hệ tình dục bình thường 1 năm không có con thì mới nên đi khám.
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn