Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 10-17/11, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 54 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố đã có 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, số ca sốt xuất huyết tăng đột biến trong thời gian vừa qua không chỉ ở Việt Nam và cả ở khu vực Đông Nam Á là do tính chất và đặc điểm thời khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều. Vì thế với thời tiết mưa nắng đan xem như hiện nay, nếu không làm tốt việc diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy thì diễn biến về dịch sốt xuất huyết có thể còn phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Sốt xuất huyết là loài đặc hữu của khu vực địa lý Đông Nam Á lây lan qua muỗi mang vector Aedes aegypti, các trường hợp sốt xuất huyết được ghi nhận thường xuyên hơn ở nữ giới so với nam giới.
Phụ nữ mang thai dễ mắc sốt xuất huyết hơn bình thường?
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Tú, những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết có xu hướng xuất hiện sớm và kéo dài. Một trong những nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất chính là nhóm phụ nữ mang thai khi mà cơ thể họ có sự giảm đề kháng và dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, chưa nhiều người nhận thức được những ảnh hưởng nguy hại khi bị sốt xuất huyết trong quá trình mang thai và cách để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội |
“Sốt xuất huyết là bệnh gây ra bởi tác nhân truyền bệnh trung gian họ muỗi mang theo virus Dengue và có 4 typ gồm D1, D2, D3, D4 trong đó D2 có độc lực cao nhất và cũng là loại virus dengue gây ra nhiều biến chứng nhất. Tuy nhiên từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát thì rất nhiều loại virus cũng đã quay trở lại hoặc xuất hiện những biến chủng mới, một trong số đó là virus Marburg hay còn được biết đến là chủng virus cực độc với tỷ lệ tử vong cao. Căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này hiện được Tổ chức Y tế thế giới liên tục cảnh báo tại các nước nghèo, đang phát triển và khu vực Đông Nam Á. Nếu như sốt xuất huyết do Dengue thuộc họ Flaviviridae truyền qua muỗi vằn thì virus Marburg thuộc họ Filoviridae, cùng họ với Ebola nên được WHO xếp vào nhóm nguy cơ cao nhất do tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90% trong khi chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa”- bác sỹ Nguyễn Phương Tú nói.
Theo bác sỹ Nguyễn Phương Tú, hiện nay triệu chứng gây ra bởi virus Marburg gần như khó để phân biệt với sốt xuất huyết thông thường song vẫn có một số đặc trưng như sốt cao kèm đau đầu dữ dội, nôn và tiêu chảy liên tục. Ở phụ nữ mang thai, từ ngày thứ 5 tới ngày thứ 7 kể từ lúc bệnh bùng phát, bệnh nhân có thể bị xuất huyết ở mức nghiêm trọng khi máu tươi xuất hiện trong phân, dịch nôn, dịch mũi, lợi và có khi cả ở âm đạo, đây là thời điểm rất dễ hỏng thai nên sau khi cắt sốt phụ nữ mang thai không được chủ quan để phòng các biến chứng muộn. Lúc này rất cần theo dõi sát và tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo lượng dịch nuôi dưỡng hợp lý vì giai đoạn 8 tới 9 ngày sau khi hết sốt có thể rơi vào trạng thái sốc, mất máu nghiêm trọng rồi tử vong.
Sốt xuất huyết do virus zika gây ra các dị tật nghiêm trọng ở thai nhi
Nếu như virus Marburg gây tỷ lệ tử vong cao thì không thể không nhắc tới virus Zika do muỗi truyền bệnh bằng cách hút virus từ người nhiễm rồi chuyển vào người bình thường, sốt xuất huyết do virus zika hầu hết không có triệu chứng đặc hiệu nhưng để lại hậu quả nặng nề cho phụ nữ mang thai cũng như các dị tật nghiêm trọng ở thai nhi, trong đó có tật đầu nhỏ. Ngoài ra, virus zika cũng có thể gây ra các rối loạn thần kinh khác như hội chứng Guillain - Barre, đặc trưng là rối loạn nghiêm trọng hệ thống thần kinh trung ương và suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch.
“Phụ nữ mang thai nhiễm virus zika sẽ có khả năng truyền virus sang thai nhi và trẻ em sinh ra với bệnh virus zika có thể có dị tật bẩm sinh ở mắt, mất thính lực hay chậm phát triển thể chất và tinh thần. Rất khó để phân biệt giữa sốt xuất huyết thông thường với sốt xuất huyết do virus zika gây ra và chủ yếu dựa vào một số đặc điểm như nhiệt độ sốt do virus zika thường không quá cao kèm theo kết mạc mắt đỏ và đau nhiều vùng lưng do các tổn thương vùng thận nên có thể có hiện tượng tiểu máu và dễ nhầm với ra máu âm đạo trong khi mang thai” –bác sỹ Nguyễn Phương Tú cảnh báo.
Bên cạnh đó, sốt xuất huyết có nhiều thể và với mỗi giai đoạn mang thai sẽ gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Nếu như trong quý 1 thai kỳ thì dễ gây ra sảy thai, thai lưu, còn quý 2 có thể khiến doạ sinh non, sinh non, tăng nguy cơ mắc tiền sản giật hay thai lưu. Sốt xuất huyết ở quý 3 thai kỳ gây hiện tượng thai chậm phát triển trong tử cung, suy thai và tăng tỷ lệ sinh mổ.
Bác sỹ Nguyễn Phương Tú cho biết, để việc quản lý và theo dõi nhóm phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thì hiện nay Tổ chức Y tế thế giới đưa ra một số tiêu chí mới trong phân loại, đó là sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm đau bụng và đau thượng vị, nôn ói kéo dài, tiêu chảy, ra máu âm đạo nhiều, xuất huyết ngoài da và niêm mạc kèm theo là các dấu hiệu cận lâm sàng như cô đặc máu, men gan tăng và giảm nhanh số lượng tiểu cầu do ức chế tế bào gốc tạo máu và phá vỡ hệ thống kinin huyết tương. Sự rối loạn điều hòa chức năng tại bánh rau có thể làm thay đổi quá trình sản xuất hPL gây ra hàng loạt các thay đổi chuyển hoá trong cơ thể và tình trạng tiền huyết khối trở nên tồi tệ hơn trong thai kỳ. Các dấu hiệu nặng gồm các triệu chứng toàn thân như tụt huyết áp, giảm đề kháng mạch máu khi mang thai dẫn đến giảm huyết áp tâm trương không cân xứng so với huyết áp tâm thu dễ dẫn tới suy hô hấp, suy tim, sốc giảm thể tích tuần hoàn và nguy cơ tử vong.
"Cần phải tăng cường nâng cao nhận thức để phòng tránh và quản lý sát bệnh sốt xuất huyết trong thai kì để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra giúp bảo vệ một hành trình mang thai an toàn cho mẹ và thai"-bác sỹ Nguyễn Phương Tú nói.
Tác giả: P.Hà
Nguồn tin: Báo VOV
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bien-chung-kho-luong-khi-ba-bau-bi-mac-sot-xuat-huyet-a142885.html