Nghệ An là tỉnh gắn liền với những danh lam thắng cảnh đẹp cùng những công trình lịch sử, và cả những món ăn ngon khiến bao thực khách nhớ mãi không quên.
Mỗi khi ghé Nghệ An, du khách đều ấn tượng với những món ăn độc đáo, chất lượng đậm chất xứ Nghệ. Đây không những là món đặc sản mang nét đặc trưng của địa phương nằm trong Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của Việt Nam.
Bánh mướt
Khi có dịp đến với Nghệ An chắc hẳn bạn sẽ không thể không thử món bánh mướt - bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng mà những người dân địa phương lựa chọn.
Bánh mướt là món bánh đặc sản của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, được làm từ gạo Vê, có hương vị đặc trưng của vùng miền nơi đây. Món bánh mướt Diễn Châu rất dễ ăn, ăn kèm với chén nước mắm chua cay cũng đã thấy ngon miệng. Người dân nơi đây thường ăn bánh mướt cùng thịt lợn nướng, bò nướng lụi, nem rán, bò lá lốt mỡ chài cùng rau giá hay ăn cùng canh gà, xáo lòng.
Xáo lòng được làm từ lòng non, lòng già giòn dai, tim sần sật, gan bùi bùi, dồi đậm vị hòa trong nước xáo lòng màu huyết dụ nhẹ, vị ngọt tự nhiên, cộng chút cay từ ớt, hạt tiêu. Món này ăn nóng mới ngon và mới cảm nhận trọn vẹn hương vị.
Bánh mướt cũng có thể ăn cùng canh gà. Gà chặt miếng nhỏ (tầm 3cm), ướp với gừng, xả, nước mắm cho ngấm tầm 30 phút, sau đó đun nhỏ lửa cho thịt gà săn lại rồi đổ nước vào đun sôi cho gà nhừ là được, trước khi ăn cho thêm lá chanh và chấm cùng bánh mướt.
Nhút Thanh Chương
“Nhút Thanh Chương-Tương Nam Đàn” là cụm từ luôn xuất hiện khi du khách đến với Nghệ An. Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn đã ghé thăm xứ Nghệ mà không thưởng thức món ăn dân dã truyền thống này. Người miền Trung đã quen gọi món mít muối mặn với cái tên “nhút.”
Món Nhút ngon và có hương vị “đặc biệt,” với vị giòn, mặn từ muối, cay nồng từ tiêu, thơm mùi mít và ngọt từ mía.
Nhút Thanh Chương ra đời trong thời kỳ khó khăn, cơm không đủ no. Trong hoàn cảnh đấy, người dân Thanh Chương đã nghĩ ra cách muối mặn mít để ăn dần trong năm. Từ đó, món nhút Thanh Chương ra đời và dần dần trở thành một đặc sản Nghệ An nổi tiếng được nhiều tín đồ du lịch săn đón.
Món ăn này được những người dân chọn những quả mít có vỏ xanh rồi rửa sạch, loại bỏ hạt mít rồi ngâm vào trong nước vo gạo cho thật sạch. Sau đó mít sẽ được cắt thành từng sợi, đem phơi nắng khoảng 1 tiếng để sợi mít khô và se lại. Cuối cùng mít sẽ được cho vào vại ngâm cùng các nguyên liệu như tỏi, gừng, nước muối, tỏi,… sau khoảng 7 ngày là có thể ăn được. Nếu muốn để lâu, bạn đem hỗn hợp vừa nén ra vắt sạch nước rồi đem bảo quản trong tủ lạnh.
Món nhút của người dân Xứ Nghệ. (Ảnh: Vietnam+) |
Với món nhút Thanh Chương, bạn có thể chế biến thành nhiều món ngon với hương vị đặc trưng như canh chua cá lóc, canh lạc, nộm hoặc xoài.
Súp lươn
Các món lươn rất phổ biến tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trong số đó chắc chắn phải nhắc đến cháo lươn, miến lươn và súp lươn. Những món ăn này được chế biến theo công thức đặc biệt của xứ Nghệ, hương vị vô cùng đậm đà xen lẫn chút cay. Đặc biệt, thịt lươn vừa béo lại đậm vị, không hề tanh, ăn vào rất ngon miệng.
Món súp lươn được nấu từ những con lươn đồng được những người dân ở đây lựa chọn kỹ càng. Súp lươn là đặc sản nổi tiếng của thành phố Vinh bởi vị thơm ngon béo ngậy.
Thành phẩm của món súp lươn, thịt lươn chín ngọt mềm, thơm mùi hành tăm, nước dùng sánh màu nâu đỏ đẹp mắt. Khi ăn vị cay đằm, cái nóng thấm và lan tỏa vào từng thớ thịt lươn, giọt súp. Món này ăn cùng bánh mướt hay bánh mỳ trong tiết trời se lạnh thì không còn gì bằng.
Món ăn này được CNN bình chọn là một trong 7 món ăn sáng ngon nhất thế giới. Súp lươn thường được ăn kèm với bánh mỳ nóng hoặc bánh mướt.
Món súp lươn được CNN bình chọn là một trong 7 món ăn sáng ngon nhất thế giới. (Ảnh: Vietnam+) |
Cháo lươn Vinh là món ăn giàu giá trị dinh dưỡng, phù hợp để thưởng thức vào buổi sáng. Một bát cháo lươn nóng hổi thêm ít hành lá phía bên trên trộn đều cùng với thịt lươn vàng ươm bốc hơi nghi ngút, mang vị ngọt thơm, hơi cay nồng sẽ khiến bạn ăn một lần là nhớ mãi.
Món cháo lươn mang đậm hương vị đặc trưng của nước hầm xương lươn. Vị đậm đà, ngọt thanh hòa quyện cùng thịt lươn mềm, ngọt ăn kèm với hành lá, rau ngổ, rau mùi. Nếu thực khách nào lần đầu tiên ăn cháo lươn Xứ Nghệ thì sẽ gọi là lươn cháo, vì phần lươn nhiều hơn phần cháo.
Nước mắm Cửa Lò
Nước mắm truyền thống là một loại gia vị quan trọng trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, để làm ra loại nước mắm nguyên chất ngon, đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất hết sức tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu (Cá và muối), quá trình ủ chượp cho đến khi ra được thành phẩm “hoàn hảo.”
Nước mắm truyền thống với màu sắc hấp dẫn, hương thơm nồng hậu cùng hậu vị ngọt đằm thắm là nét đặc trưng quen thuộc trên mâm cơ gia đình người Việt từ hàng trăm năm qua.
Nguyên liệu của nước mắm chỉ gồm cá tươi và muối biển theo tỷ lệ vàng 3:1 (tức 3 tấn cá cơm trộn đều với 1 tấn muối).. Hầu như loại cá nào cũng làm được nước mắm nhưng để cho ra nước mắm có giá trị cảm quan, chỉ tiêu chất lượng và dinh dưỡng cao nhất chỉ có thể là cá cơm than, cơm trắng. Cá được đánh bắt đúng mùa vụ, lúc con cá trưởng thành, béo mập, để cho ra nước mắm có độ đạm cao nhất. Cá càng tươi, càng ít cá tạp, càng béo mập nước mắm càng sạch và hảo hạng.
Bên cạnh cá cơm tươi sạch, muối cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Muối dùng ủ cá phải tinh khiết, có độ kết tinh cao, ít tạp chất. Trước khi đem ủ cá, muối được lưu kho 12 tháng nhằm loại bớt ion gốc kim loại, gây ra những tác động bất lợi trong nước mắm (chát, đắng, nóng cổ)./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bon-mon-dac-san-cua-nghe-an-an-mot-lan-nho-mot-doi-a143243.html