Ông Nguyễn Minh Quân - Ảnh: HỮU HẠNH |
Mẹ bị cáo Quân gửi đơn xin được gặp con
Ông Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị Viện KSND tối cao truy tố về tội tham ô tài sản theo điểm a, khoản 4, điều 353 và tội rửa tiền theo điểm a, khoản 3, điều 324 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, đối với tội tham ô, khung hình phạt mà ông Quân bị truy tố lên tới tử hình.
Tại tòa, ông Quân vẫn phủ nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố và cho rằng các bị cáo khác khai làm theo chỉ đạo của ông là không đúng.
Theo ông Quân thì số tiền mà Lợi chuyển cho Quân là tiền mà Quân cho Lợi mượn để kinh doanh từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên ông Quân không chứng minh được cho Lợi mượn bao nhiêu tiền, cũng không có giấy tờ xác nhận.
Tuy Công ty Ngọc Đạo do vợ ông là bà Nguyễn Trần Ngọc Diễm đứng tên đại diện và sau đó ủy quyền cho bị cáo Lợi điều hành, nhưng ông Quân nói mình không hề biết công ty này tham gia các gói thầu cung cấp vật tư y tế của bệnh viện, cũng như không nắm rõ hoạt động của công ty.
Tại phiên tòa sáng nay, ông Quân cho biết việc mua bán các tài sản gồm thửa đất ở phường Linh Xuân và 2 biệt thự nêu trên đều do ông Quân quyết định, không bàn bạc gì với vợ. Theo ông Quân, khi đã quyết định mua thì ông nhờ Nguyễn Văn Lợi vì Lợi rất rành thủ tục.
Về lý do thửa đất ở phường Linh Xuân đứng tên cá nhân 2 vợ chồng, trong khi 2 biệt thự lại đứng tên Công ty Ngọc Đạo, ông Quân cho rằng đều là do Nguyễn Văn Lợi hướng dẫn.
Sáng nay, bà Nguyễn Thị Sa, 76 tuổi, mẹ bị cáo Nguyễn Minh Quân, đã có đơn gửi hội đồng xét xử xin được gặp ông Nguyễn Minh Quân để thăm hỏi, động viên con.
Hội đồng xét xử cho biết vụ án đã kéo dài, do đó hội đồng xét xử tạo điều kiện để ông Nguyễn Minh Quân gặp mẹ. Cuộc gặp được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Đại diện Viện KSND tối cao giám sát và nội dung gặp được lập thành văn bản gửi cho hội đồng xét xử.
Sau 2 ngày xét xử, bị cáo nhận ra mình chẳng biết gì
Sau khi được hội đồng xét xử tạo điều kiện cho gặp mẹ, ông Nguyễn Minh Quân bày tỏ lòng cảm kích do được gặp lại mẹ sau hơn 2 năm bị tạm giam.
“Cảm ơn hội đồng xét xử cho bị cáo gặp mẹ, 2 năm rồi bị cáo mới gặp được mẹ, ba bị cáo đã mất trong thời gian bị tạm giam. Sau khi gặp mẹ xin ý kiến như sau, trước đây bị cáo nghĩ mình học cao nên hiểu biết nhiều nhưng qua 2 ngày xét xử bị cáo nhận ra mình chẳng biết gì”, ông Quân bắt đầu khai nhận tội trạng.
Ông Quân lý giải nguyên nhân trước đây không nhận tội là vì khi bệnh viện bị điều tra, ông đã tìm nhiều cách và chi nhiều tiền để chạy án và bị lừa mất tiền. Do đó đến khi bị bắt và được điều tra viên, kiểm tra viên giải thích thì ông sợ tiếp tục bị lừa nên không nhận tội.
“Tất cả hành vi phạm tội của bị cáo như cáo trạng xác định, lời khai của những bị cáo khác thì bị cáo nghĩ như thế nào?”, chủ tọa phiên tòa hỏi.
Ông Quân cho rằng trong ban giám đốc có 3 người gồm: ông và hai phó giám đốc là bị cáo Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh. Theo ông Quân, hai bị cáo Ngọc và Lan Anh chỉ tập trung chủ yếu chuyên môn, nên công việc còn lại tin tưởng giao hết cho bị cáo.
Khi ký các hồ sơ liên quan đến đấu thầu, phòng vật tư y tế trình hồ sơ cho hai phó giám đốc ký là theo chỉ đạo của ông.
“Bị cáo tin tưởng các phòng ban làm đúng vì bị cáo cho họ đi học rất nhiều vì mục đích để họ “gác cổng” cho bệnh viện nên thiếu kiểm tra, giám sát.
Sau khi nghe cách hỏi của hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư thì bị cáo mới nhận thấy mình sai, trước đây không nghĩ được như vậy”, ông Quân nói.
Xin được khắc phục hậu quả và ghi nhận công lao xây dựng bệnh viện Ông Quân cho biết mẹ ông có chuẩn bị một khoản tiền cho ông đóng khắc phục hậu quả, xin hội đồng xét xử tạo điều kiện, đồng thời xin được bán căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng ông để khắc phục hậu quả. Cuối cùng, ông Quân xin hội đồng xét xử ghi nhận công lao của ông khi xây dựng Bệnh viện TP Thủ Đức từ cơ sở y tế nhỏ chỉ có 18 nhân viên y tế, nay đã có quy mô 2.000 người và là một trong những đơn vị hàng đầu về ứng dụng công nghệ hiện đại. |
Tác giả: TUYẾT MAI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ
Link nội dung: https://haiphong24h.org/cuu-giam-doc-benh-vien-tp-thu-duc-nhan-ra-sai-sau-khi-duoc-gap-me-a143264.html