Theo Đông y, râu ngô (bắp) và ruột bấc trong thân cây ngô có vị ngọt và tính bình, tác động vào 2 kinh thận và bàng quang. Râu ngô được dùng làm thuốc trong điều trị nhiều bệnh như: Đái vàng rắt buốt, bí tiểu, viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng, sạn trong gan, mật, thận, sỏi niệu quản, bàng quang, phù thũng.
Râu ngô giàu vitamin và các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể, có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh |
Đồng thời, râu ngô cũng được dùng để hạ áp huyết, làm thông mật trong điều trị gan mật, sỏi mật, vàng da... Đặc biệt, đây cũng là một trong những loại thảo dược dùng để điều trị bệnh gan hiệu quả nhất. Mỗi ngày nên sử dụng 30 - 60g dạng khô, 100 - 200g dạng tươi.
Trong râu ngô có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất như: Vitamin A; vitamin K; vitamin nhóm B: B1, B2, B6 (pyridoxine); vitamin C; vitamin PP; các flavonoid: inositol, axit pantothenic; các saponin; các steroid như sitosterol và stigmasterol; dầu béo; các chất đắng; vết tinh dầu và các chất vi lượng khác.
Vậy nên, có thể coi râu ngô là loại thuốc tự nhiên bao gồm nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp kéo dài tuổi thanh xuân, không độc hại giá thành lại rất hợp lý.
Nước râu ngô có công dụng gì?
Uống nước râu ngô có tác dụng làm tăng bài tiết mật và giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột được dễ dàng; Uống nước râu ngô còn có tác dụng hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông.
Sử dụng nước râu ngô hàng ngày thay cho nước chè (trà) có tác dụng rất hiệu quả đối với người bị ứ mật và sỏi túi mật; Uống nước râu ngô có tác dụng lợi tiểu trong các bệnh về thận.
Nước râu ngô có hiệu quả tốt trong các trường hợp bị phù có liên quan đến các bệnh về tim mạch; Thường xuyên sử dụng nước luộc râu ngô lâu dài cho người bị bệnh sỏi thận hay sỏi bàng quang và sỏi niệu quản. Nó sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat.
Nước luộc râu ngô có tác dụng cầm máu trong trường hợp xuất huyết tử cung, nhất là những người dễ chảy máu.
Các bài thuốc từ râu ngô
Bệnh sỏi thận hoặc tiết niệu: Nước râu ngô dùng mỗi lần khoảng 20 - 60ml trước các bữa ăn 3 - 4 giờ.
Cho 10g râu ngô vào 200ml nước sôi và đun cách thủy 30 phút lấy nước hãm; Nếu làm nước sắc râu ngô thì lấy khoảng 10g râu ngô cho vào 300ml nước rồi đun sôi nhỏ lửa trong 30 phút.
Ho ra máu: Chuẩn bị râu ngô 50g, đường phèn 50g, cho vào nấu canh. Mỗi ngày 1 liều, uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Sử dụng trong 5 ngày với công thức như trên.
Điều trị bệnh tiểu đường: Mỗi ngày dùng 40 - 50g râu ngô sắc lấy nước uống. Có thể phối hợp thêm với các vị thuốc khác: Thiên môn, cỏ ngọt, tri mẫu, mạch môn... hiệu quả sẽ tốt hơn.
Điều trị viêm đường tiết niệu: Có nhiều hình thức làm nước chè râu ngô điều trị viêm đường tiết niệu. Bạn có thể làm nước luộc ngô tươi, nước râu ngô hãm đặc uống khi nóng hoặc nước râu ngô pha đường để lạnh chia uống nhiều lần trong ngày, uống hàng ngày thay nước trà
Điều trị viêm gan vàng da: Chuẩn bị cháo đậu đen, đại táo, cà rốt, râu ngô. Sau đó, cho râu ngô 60g vào sắc hãm lấy nước; đem nước râu ngô nấu với đậu đen, đại táo, cà rốt. Nấu chín nhừ và thêm chút gia vị cho vừa ăn.
Điều trị tăng huyết áp: Bạn có thể pha râu ngô phối hợp với hoa hòe, ngưu tất, cỏ ngọt, câu đằng... có tác dụng ổn định huyết áp. Nguyên nhân là do dầu hạt ngô có tác dụng hạ mỡ máu, hạ cholesterol máu, làm chậm sự thâm nhập của β - lipoprotein vào động mạch chủ. Do đó làm giảm bệnh xơ vữa động mạch và hạ áp.
Tác giả: Hà Trần
Nguồn tin: congthuong.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/rau-ngo-vi-thuoc-tu-nhien-tot-cho-suc-khoe-a143554.html