(Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator) |
Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông Xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết.
Các chuyên gia cảnh báo tại Việt Nam với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh cúm mùa rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus.
Mặc dù không phải lúc nào cũng bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với người bệnh nhưng nếu bị nhiễm bệnh, các triệu chứng của cúm sẽ xuất hiện sau đó.
Các chuyên gia nói với HuffPost rằng sau khi bị nhiễm cúm, phải mất từ 1 đến 5 ngày các triệu chứng mới xuất hiện.
Tiến sỹ Marcel Curlin làm việc tại Trường Y thuộc Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ) cho biết các triệu chứng có thể là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, ho, sổ mũi...
Thời gian chính xác về thời điểm bạn phát bệnh sẽ khác nhau tùy theo từng người, nhưng Curlin cho biết thông thường là 2,5 ngày sau khi tiếp xúc.
Tiến sỹ Hilary Babcock, Giám đốc chất lượng tại BJC Healthcare và là bác sỹ tại Đại học Washington ở St. Louis, cho biết khi bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, virus có thể sẽ tấn công bạn khá nhanh.
Babcock nói: “Một trong những đặc điểm khác biệt của bệnh cúm so với cảm lạnh là nó thường khởi phát rất đột ngột. Mặc dù cảm lạnh thường bắt đầu bằng triệu chứng ngứa họng hoặc sổ mũi, nhưng các triệu chứng cúm sẽ ập đến ngay lập tức.
Ví dụ, một người có thể cảm thấy khỏe mạnh cả buổi sáng và sau đó đột nhiên cảm thấy khó chịu vào lúc 2 giờ chiều, Babcock nói. “Nhiều khả năng người này đã mắc bệnh cúm hơn là bị cảm lạnh."
Tiêm phòng cúm
Tiêm vaccine cúm là một cách hiệu quả để bảo vệ bạn khỏi virus cúm. Tiến sỹ Curlin cho biết mặc dù vaccine không thể ngăn bạn tiếp xúc với virus nhưng nó có thể làm giảm các triệu chứng khi bạn bị cúm.
Chuyên gia khuyên nên tiêm phòng cúm vào mùa Thu nhưng nếu bạn đã bỏ qua mũi tiêm vào thời điểm đó thì đừng bỏ qua mà hãy bổ sung sau đó.
Tiến sỹ Babcock cho biết trước tháng Ba vẫn là thời điểm hợp lý để tiêm phòng cúm, đồng thời lưu ý rằng mặc dù mùa cúm bắt đầu vào mùa Thu nhưng nó “thường kéo dài đến tháng Hai, tháng Ba và đôi khi kéo dài đến tháng Tư."
Dù muộn nhưng việc tiêm phòng cúm vẫn mang lại sự bảo vệ hàng tháng trời khi virus lây lan. Bạn chỉ cần lưu ý rằng phải mất khoảng hai tuần để hệ thống miễn dịch có được khả năng bảo vệ hoàn toàn sau khi tiêm, Babcock nói.
Tiêm vaccine cúm là một cách hiệu quả để bảo vệ bạn khỏi virus cúm. (Nguồn: Getty Images) |
Gần đây, Viện Y tế Quốc gia Mỹ thông báo nước này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một đối với FluMos-v2 - một loại vaccine ngừa nhiều chủng cúm mới được nghiên cứu.
Đây là sản phẩm vaccine do Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ phát triển nhằm tạo ra kháng thể chống lại nhiều chủng virus cúm khác nhau bằng cách hiển thị một phần protein hemagglutinin của virus cúm theo các mẫu lặp lại trên các khuôn nano tự sắp xếp.
Việc tiếp xúc với những mảnh protein virus vô hại này sẽ giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và chống lại virus thực sự.
Kết quả thử nghiệm trên động vật cho thấy vaccine thử nghiệm đã tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ.
Nên làm gì để phòng bệnh cúm?
Tiến sỹ Babcock khuyên rằng nên đeo khẩu trang khi đến những chỗ đông người. Rửa tay thường xuyên và sử dụng chất khử trùng chứa cồn cũng là một cách tốt để bảo vệ bạn khỏi bệnh cúm và các bệnh về đường hô hấp khác.
Còn Tiến sỹ Curlin nói: “Nếu bị cúm, hãy cách ly với mọi người. Việc tránh xa những người khác có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm."
Babcock cho biết đối với nhiều người, đặc biệt là những người đã được tiêm phòng, có thể kiểm soát bệnh cúm tại nhà bằng cách dùng thuốc không kê đơn, uống nhiều nước và nghỉ ngơi.
Trong khi đó, những người trên 65 tuổi bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tim, bệnh phổi hoặc ung thư là những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và phải nhập viện./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/neu-bo-lo-thoi-diem-vang-de-tiem-vaccine-cum-ban-co-nen-tiem-lai-sau-do-a143843.html