Trải nghiệm với thác Shalom

Cái tên thác Shalom xuất hiện trên mạng xã hội vài tháng nay. Thác thuộc địa bàn xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), cách Pleiku khoảng 16 cây số, đường đi thuận lợi. Những thông tin này đã thúc giục tôi sớm lên đường.

8 giờ sáng, khi sương còn đọng trên những cánh hoa cỏ dại mọc ven lối đi đất đỏ dẫn vào thác, tôi đã có mặt ở nơi này. Mặc dù gần đường lộ, nhưng muốn nhìn thấy vẻ đẹp của thác, phải đi vòng qua khu đất của nhà chùa nằm liền kề, xuống 2 con dốc, đến tận chân thác mới tận hưởng được nét đẹp hoang sơ, kỳ bí.

 Người dân chụp hình lưu niệm tại thác Shalom. Ảnh: T.A

Khi tôi đến, thác Shalom vừa đắm mình qua cơn mưa cuối mùa. Những hạt mưa nhẹ rơi vừa đủ độ ẩm cho những nụ hoa rừng quanh thác cựa mình nở bung khoe sắc dưới ánh nắng ban mai, xuyên qua những tàng cây rừng với đủ sắc màu: xanh, lam, đỏ, vàng, tím... Nổi bật nhất vẫn là màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ dọc theo bờ suối. Con suối tuy nhỏ nhưng nước trong veo, mát lạnh, chảy uốn lượn dưới chân những con dốc đứng, dốc nghiêng tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp. Ngay chân thác là lòng hồ nhỏ với lớp đá cuội, đá sỏi nằm sâu dưới dòng nước trong xanh dẫn ra suối.

Bên bờ suối có nhiều khoảng đất trống, cỏ mọc xanh um trông như thảm, nối liền nhau lên tới đầu những con dốc có nhiều cây cổ thụ, rất thích hợp cho những cặp đôi tạo dáng, chụp ảnh và những cuộc dã ngoại tập thể, cắm trại. Từ đây nhìn lên thác, những luồng nước nhỏ đổ qua nhiều bậc đá, tung bọt trắng xóa, hòa chung vào một dòng nước lớn đổ ầm xuống thác tạo ra âm thanh trầm bổng như tiếng nhạc đồng vọng của đá núi, cây rừng. Nước từ trên cao đổ xuống mềm mại nhìn từ xa như một dải lụa trắng buông mình xuống chân vách đá. Hơi nước nhẹ bay trong gió tạo nên những màn sương trắng, nắng vàng đi qua hiện lên dải cầu vồng màu sắc lung linh, huyền ảo rất mãn nhãn.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi tới làng NangLoong-Osơr, cách đó khoảng 2 km gặp ông Rơ Châm Hur, người có nhiều năm gắn bó với ngọn thác này. Ông cho biết, từ bao đời nay, dân làng gọi thác là Drai Bui (tiếng Jrai nghĩa là con heo). Nơi này, xưa kia, dân làng thường đem heo đến đây trong mỗi lần tế lễ. Vào tháng ba, mùa nhàn rỗi, trai gái trong vùng kéo nhau tới đây tổ chức ăn uống, ca hát, nhảy múa vui như hội. Kể từ khi người dân các nơi đến đây khai phá đất trồng cà phê, hồ tiêu... thác này được gọi bằng tên mới Shalom. Không biết ai đặt ra tên này. Theo tìm hiểu, “shalom” có nghĩa là đầy đủ, trọn vẹn, viên mãn, hòa hợp...

 Thác Shalom. Ảnh: Trung Anh

Cũng theo ông Rơ Châm Hur, thác Shalom được tạo nên bởi 2 con suối nhỏ và lớn lên nhờ mạch nước ngầm của ngọn núi Hàm Rồng cao 1.200 m, ở phía Nam Pleiku và giọt nước của làng NangLoong-Osơr nên không bao giờ cạn nước. Mùa khô, nước từ 2 con suối hợp lại, chảy qua những khe đá hẹp rồi đổ thẳng xuống sườn vách đá dựng đứng có độ cao khoảng 20 m, hơi nước bay vào không gian, lẫn vào cây, làm cho nơi đây, vào mùa nắng nóng không khí vẫn mát lạnh.

Vào mùa mưa, nước về tràn đầy chảy cuồn cuộn như cơn lũ, làm cho chiều ngang của thác rộng mở từ 20 m lên 30 m, lòng suối cũng được mở rộng. Vào mùa này, không thể đến gần chân thác nhưng nhìn thấy hơi nước bay nhè nhẹ giữa tầng không. Những tia nắng như vàng hơn, trong hơn, khi lọt qua những tán cây rừng xanh biếc đổ vào đất, trèo lên những tảng đá phủ rêu xanh làm sóng sánh mặt hồ nước tạo ra bức tranh sơn thủy hữu tình.

Dù tên gọi Drai Bui hay Shalom nhưng đều có chung ý nghĩa là con thác đẹp. Và dù mùa khô hay mùa mưa, dòng thác vẫn cứ chảy, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Nó không hoành tráng, kỳ vĩ như bao con thác khác, chỉ nguyên sơ và mang trong mình nét đẹp bình yên, mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên.

Tác giả: TRUNG ANH

Nguồn tin: baogialai.com.vn

Link nội dung: https://haiphong24h.org/trai-nghiem-voi-thac-shalom-a143920.html