Chân dung nữ sinh lớp 12 phát biểu tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc

Lê Nguyệt Quỳnh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước.

Chiều 13/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân Ngô Thị Mận, cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân - Giáo sư Bành Lệ Viên, đã gặp nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc.

 Lê Nguyệt Quỳnh phát biểu tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc

Trong chương trình, một nữ sinh xinh xắn, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu cảm tưởng đã gây ấn tượng: “Nhà giáo dục lỗi lạc Mạnh Tử có câu “Nhân chi tương thức, quý tại tương tri; Nhân chi tương tri, quý tại tri tâm” (nghĩa là “Trong giao lưu giữa người và người, điều quý nhất đó là hiểu biết lẫn nhau, và điều quý nhất trong việc hiểu biết lẫn nhau đó là hiểu lòng nhau”).

Cháu cũng như những bạn trẻ có cơ hội gắn bó, học tập ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cảm thấy vô cùng may mắn khi được tiếp thu đồng thời cả hai nền giáo dục, văn hóa của hai nước láng giềng gần gũi, văn hóa tương thông. Bởi vậy, chúng cháu cùng các bạn Trung Quốc có nhiều cơ hội “tương thức”, được giáo dục đầy đủ để “tương tri” và luôn mang theo sự chân thành của mình để có thể “tri tâm”. Cháu luôn tâm niệm rằng, những gì được xây dựng trên cơ sở của sự chân thành, thì sẽ mãi bền vững. Chúng cháu đã, đang và sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng các bậc cha anh đi trước”.

 Lê Nguyệt Quỳnh đã thể hiện ca khúc mang âm hưởng Hí kịch - loại hình nghệ thuật diễn tuồng của Trung Quốc, sử dụng ngôn ngữ, âm nhạc, vũ đạo

Nữ sinh đó chính là Lê Nguyệt Quỳnh, học sinh lớp 12E, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ với PV ngay sau sự kiện, Nguyệt Quỳnh cho biết: “Em cảm thấy rất may mắn và tự hào. Được chọn làm đại diện cho thanh niên Việt Nam duy nhất đứng phát biểu trước 2 lãnh đạo của 2 nước là một điều em chưa từng nghĩ tới. Lúc đó thật sự em rất hồi hộp, tim em đập nhanh lắm. Đây quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời”.

Nguyệt Quỳnh cho hay, em đã chuẩn bị và tập luyện cho sự kiện này trong thời gian rất gấp rút, có sự giúp đỡ của các anh chị bên Ban Quốc tế của Trung ương Đoàn. Mặc dù vậy, nữ sinh nhận thấy mình đã phát biểu khá tốt.

 Cô gái nhỏ có học vấn đáng nể

“Là một sự kiện vô cùng trọng đại và bản thân được là một trong số ít những đại biểu có cơ hội phát biểu trước lãnh đạo hai nước không chỉ giúp em trau dồi thêm các kỹ năng của bản thân, còn giúp em tiến một bước gần hơn đến với mong muốn đi du học Trung Quốc”, Nguyệt Quỳnh thổ lộ.

Được biết, để trở thành gương mặt đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu trước lãnh đạo 2 nước, trước đó, Nguyệt Quỳnh đã có những thành tích đáng nể: Giải Nhất Chung kết cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" lần thứ 16 dành cho học sinh các trường THPT khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam; Giải Nhì Chung kết cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" lần thứ 16 dành cho học sinh THPT toàn thế giới tổ chức tại Trung Quốc; Giải Ba môn thi tiếng Tiếng Trung Quốc kỳ thi Olympic bậc THPT năm học 2022-2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội; Giải khuyến khích môn thi tiếng Trung Quốc Kỳ thi học sinh giỏi các trường THPT chuyên vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ XIV, năm 2023, tại Thái Nguyên.

Quỳnh bắt đầu học tiếng Trung Quốc từ năm lớp 6 và hiện nay đã học tập được gần 6 năm. “Lúc ban đầu em chỉ muốn biết thêm một ngoại ngữ nhưng càng học em càng cảm thấy tiếng Trung rất thú vị. Em bắt đầu tìm hiểu thêm về cả đất nước, phong tục, văn hoá và con người Trung Quốc. Và càng tìm hiểu thì em lại càng chắc chắn hơn với niềm đam mê của mình đối với ngoại ngữ này”, Quỳnh chia sẻ.

Cũng như nhiều người bắt đầu học tiếng Trung, ban đầu Quỳnh nhìn thấy chữ Hán rất nhiều nét, khó nhớ, khó viết. Nhưng sau khi học nữ sinh lại cảm thấy đó là sự thú vị rất riêng của chữ Hán, mỗi chữ đều có ý nghĩa riêng và điều đó càng làm cho Quỳnh cảm thấy hứng thú hơn về tiếng Trung cũng như đất nước Trung Quốc.

 Quỳnh mong muốn có thể sang thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để đi du học

Quỳnh cho biết: “Em nghĩ một trong những lý do em học được tiếng Trung là có niềm đam mê. Có lẽ với học sinh nào theo học ngoại ngữ đều cần có sự đam mê. Khi học, em không chỉ dừng lại ở việc học từ mới và bài khoá trong sách mà mỗi lúc rảnh rỗi khi đã giải quyết xong các bài tập trong ngày, em thường thư giãn bằng cách: xem phim cổ trang Trung Quốc (phim em ấn tượng sâu sắc nhất là “Hậu cung Như Ý truyện”); các chương trình truyền hình giải trí nổi tiếng như "Happy Camp", “Ngày ngày tiến lên” (Day day up). Mặc dù là việc thư giãn nhưng em thấy đây cũng là một cách khiến cho mình vừa luyện thêm được phát âm cũng như phản xạ tiếng Trung vừa tăng thêm sự yêu thích và niềm đam mê đối với bộ môn này”.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Nguyệt Quỳnh tiết lộ: “Hiện tại em đang học lớp 12 và kế hoạch của em cho năm sau là có thể sang thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để đi du học”.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

Link nội dung: https://haiphong24h.org/chan-dung-nu-sinh-lop-12-phat-bieu-tai-cuoc-gap-go-nhan-si-huu-nghi-va-the-he-tre-hai-nuoc-viet-nam-trung-quoc-a144228.html