Dư luận từng xôn xao trước câu chuyện người đàn ông ở thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) có đến 3 người vợ, 7 đứa con. Nhiều người tò mò không biết cuộc sống hiện tại của đại gia đình ấy giờ ra sao, có sự xáo trộn gì sau khi “nổi tiếng” khắp cõi mạng hay không?
Anh Sò – nhân vật chính trong câu chuyện trên thành thật cho biết: “Hơn một năm qua, gia đình tôi đã có sự thay đổi: kinh tế khấm khá; 3 người vợ hòa thuận và biết bảo ban nhau làm ăn; các con đã lập gia đình, thi thoảng đưa cháu nội cháu ngoại về thăm ông bà. Tôi mừng vì điều đó bởi ngày xưa 3 bà vợ thường xuyên xảy ra xô xát”.
“Lý do gì để 3 người vợ của anh đoàn kết như vậy?”, khi được hỏi, anh Sò không ngần ngại cho biết anh chính là người đứng ra giảng hòa cho các vợ, đồng thời giải thích cho họ hiểu đã là một gia đình phải sống như thế nào. “Tôi biết mình nhiều vợ, là trụ cột gia đình mà để các vợ tranh cãi nhau như vậy là lỗi của chính mình. Tôi đã có một cuộc họp gia đình, phân công công việc cho 3 người phụ nữ.
Tôi cũng nói rõ mình luôn yêu thương cả 3 như nhau, không có sự phân biệt giữa bà cả, bà hai hay bà ba. Họ nghe xong thấy có lý nên từ đó yêu thương, giúp đỡ nhau lắm”, anh Sò tâm sự.
Anh Sò và 3 người vợ.
Hằng ngày, anh Sò cùng chị Dính – người vợ cả sẽ chở rau củ nhà trồng được đem ra chợ bán. Còn chị Lúa – vợ hai và chị Cáy – vợ ba sẽ ở nhà đi nương rẫy, kiếm rau dại cho bò, lợn… Trưa đến, cả 3 người vợ cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, mỗi người một việc khiến ngôi nhà trở nên ấm cúng và vui vẻ hơn rất nhiều.
“Chứng kiến cảnh đó, tôi hạnh phúc lắm. Có lúc chúng tôi cũng xảy ra cãi vã vì bất đồng quan điểm sống. Song chỉ vài hôm tất cả lại trò chuyện, cùng nhau làm việc một cách vui vẻ. Tôi luôn nghĩ đó là thành công của người giữ lửa hạnh phúc gia đình.
Còn các con đã lập gia đình, mỗi đứa ở một nơi riêng. Thi thoảng chúng lại cho đám nhỏ về nội, ngoại chơi hoặc đứa nào bận quá sẽ gửi con sang để các vợ tôi trông giùm. Tôi động viên các con trai rằng tuyệt đối không được lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con vì đó là vi phạm pháp luật cũng như vi phạm kế hoạch hóa dân số.
Chúng nghe lời lắm vì phần nào thấu hiểu được cảnh nhà đông con, nhiều vợ như thế nào. Giờ tôi chỉ hi vọng mọi chuyện cứ êm đềm như thế này”, người đàn ông dân tộc H’mông bộc bạch.
Nhắc đến chuyện vì sao nhiều vợ như thế, anh Sò tiết lộ dù pháp luật không cho phép đa thê, tôn trọng chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tuy nhiên ở vùng núi giáp biên giới như quê anh, vài chục năm về trước chuyện này còn khá lạ lẫm và mới mẻ. Do vậy người đàn ông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải có 2-3 người vợ.
“Năm 22 tuổi, tôi cưới người vợ đầu tiên và sinh được 2 đứa con: một trai, một gái… Sau đó không lâu tôi xin vợ xuống chợ tình thổi khèn rồi tình cờ quen được cô gái người Mông xinh đẹp. Tôi đã bị vẻ đẹp đó “hút hồn”, tương tư suốt một thời gian dài.
Không chịu đựng được, tôi đã giãi bày tất cả với vợ và xin muốn cưới thêm vợ nữa. Khi ấy vợ tôi khá ngỡ ngàng nhưng vì yêu thương chồng nên gật đầu đồng ý. Thế là tôi có vợ 2 và bà này sinh được 3 đứa con”, anh Sò nhớ lại
Chưa dừng lại ở đó, anh Sò tiếp tục cưới thêm người vợ thứ 3 dưới sự đồng ý của hai người vợ cùng các con. Người vợ thứ 3 cũng sinh cho anh thêm 2 người con. “Tôi lấy vợ 3 không bao lâu thì con trai tôi cũng cưới vợ. Vì thế giờ con út của tôi sàn sàn tuổi với cháu nội. Có người đến chơi nhà đã nhầm lẫn con tôi là cháu nội”, người đàn ông từng cho biết.
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo luật sư về Hôn nhân và Gia đình, việc anh Sò sống chung với 3 người vợ cùng lúc được xem là một hủ tục lạc hậu từ thời xa xưa. Điều này không được pháp luật công nhận, đã vi phạm những nguyên tắc, điều cấm trong luật hôn nhân và gia đình 2014, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cụ thể :
- Căn cứ pháp lý : Luật hôn nhân và gia đình 2014 :
"Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình".
"Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
=> Căn cứ vào khoản 1 điều 2 và điểm c khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì dù vợ anh Sò có đồng ý cho anh lấy thêm vợ nhưng không ly hôn thì vẫn bị vi phạm về những nguyên tắc cơ bản và những điều cấm trong hôn nhân.
Với hành vi lấy thêm vợ,anh sẽ bị xử phạt hành chính và nặng hơn sẽ bị xử phạt theo quy định của bộ luật hình sự 2015 cụ thể :
* Xử phạt hành chính:
Theo 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
...
NGỌC HÀ
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nguoi-dan-ong-ha-giang-song-chung-voi-3-nguoi-vo-khien-cdm-ngo-ngang-gio-ra-sao-a144463.html