Khu công nghiệp, khu kinh tế tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng

Hải Phòng có lịch sử phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước và được lựa chọn thí điểm mô hình phát triển công nghiệp của miền Bắc.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã và đang góp phần tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, là động lực phát triển cả Vùng Bắc Bộ, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước.

Giá trị mang lại

cang-hai-phong-1-1704033209.jpg
 

Hoạt động cảng biển kho vận hàng hóa phát triển sẽ đóng vai trò chủ lực tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Hải Phòng có lịch sử phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước và được lựa chọn thí điểm mô hình phát triển công nghiệp của miền Bắc. Ngay từ năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng đã có Thông báo số 67/TB-HĐBT năm 1992 "…đồng ý về nguyên tắc cho Hải Phòng xây dựng dần là thành phố mở về kinh tế, trong đó có khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt".

Đến nay Hải Phòng đã thành lập được 14 khu công nghiệp; Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã được đầu tư xây đồng bộ, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thi, trung tâm thương mại và cảng biển, logistics tầm cỡ quốc tế.

Đại diện khu công nghiệp đầu tiên có vốn trực tiếp nước ngoài tại miền Bắc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng ông Trịnh Văn Tuấn chia sẻ, Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng (trước đây là Khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng, được thành lập tháng 12/1994), được đánh giá là điểm đến lý tưởng đáng tin cậy của các nhà đầu tư đến từ các Tập đoàn lớn trên thế giới như Rorze Robotech, Yazaki, Toyoda Gosei, Toyota Boshoku, Tohoku Pioneer, GE… đã đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng đã được lấp đầy và thu hút được hơn 50 nhà đầu tư với tổng số vốn hơn 1,7 tỷ USD, với các ngành nghề chủ yếu là chế tạo máy, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện thiết bị điện, điện tử, thiết bị hàng hải, sản phẩm bao bì, sản phẩm giấy cao cấp…, tạo ra hơn 30.000 việc làm cho người lao động.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (Công ty SHP), trải qua hơn 15 năm phát triển đã thu hút được hơn 100 siêu dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với tổng vốn đầu tư hơn 9,5 tỷ USD, mang lại cơ hội việc làm cho hơn 55.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Nhà đầu tư tiêu biểu tại Khu công nghiệp Tràng Duệ là Tập đoàn LG Hàn Quốc.

Đến nay, tổng mức đầu tư của các dự án thuộc Tập đoàn LG tại đây đạt hơn 8,2 tỷ USD - chiếm 30% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố Hải Phòng. Các dự án của Tập đoàn LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ đã tạo ra nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng với doanh thu lũy kế đạt hơn 50 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 50 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 500 triệu USD.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (đặt tại Khu công nghiệp Đình Vũ) cho rằng, Hải Phòng là thành phố có truyền thống phát triển công nghiệp, cảng biển lâu đời. Nhờ lịch sử đó lãnh đạo thành phố nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý và tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố đã và đang là một điểm đến tuyệt vời cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2012, Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone tại Hải Phòng được thành lập và trở thành dự án có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào thành phố lớn nhất tại thời điểm đó. Đến tháng 4/2014, Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam đã sản xuất được chiếc lốp đầu tiên và bắt đầu cho hành trình xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường trên thế giới như Nhật, Mỹ, Châu Âu.

Trải qua hơn 10 năm hoạt động, Bridgestone vẫn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong thành phố Hải Phòng, tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô theo hướng bền vững và xem xét các khả năng ứng dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất trong tương lai. 

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu kinh tế đạt 4,5 tỷ USD; trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,5 tỷ USD, đạt 175% kế hoạch giao, tăng 140% cùng kỳ năm 2022, thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt trên 1 tỷ USD (23.847 tỷ đồng), đạt 238,47% kế hoạch năm. Hải Phòng trong danh sách địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Giai đoạn đến năm 2030, các khu kinh tế, khu công nghiệp dự kiến đóng góp trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Thu hút FDI vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 15 tỷ USD; thu hút DDI vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 12 - 16 tỷ USD.

Hình thành các cụm liên kết

cnag-dinh-vu-2-1704033269.jpg
 

Hàng nhập khẩu qua cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế...

Thành phố mở rộng, xây dựng thêm các khu, cụm công nghiệp (dự kiến thành lập thêm 20 khu công nghiệp); thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt, nghiên cứu xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại cuộc báo cáo phương án thiết kế quy hoạch tổng thể và Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, việc thành lập khu kinh tế thứ 2 ở phía Nam thành phố là một động lực mới, mở ra không gian mới để phát triển Hải Phòng. Khi làm thành công khu kinh tế thứ 2 thì mới có thể nghĩ đến câu chuyện hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cũng lưu ý, các ban, ngành, địa phương liên quan phải tham khảo kỹ lưỡng và đầy đủ các khu kinh tế đã thành công trên thế giới và ngay cả trong nước, trong đó, lưu ý một số yếu tố là đảm bảo sự cân bằng giữa các vấn đề. Cụ thể, phát triển xanh, bền vững rất cần thiết, là xu hướng. Hải Phòng không thể đi ngược lại với xu hướng này nhưng phải đảm bảo cân bằng với sự phát triển kinh tế.

Cùng với đó là khả năng đầu tư của thành phố Hải Phòng, từ nguồn lực ngân sách, nguồn lực xã hội với quy mô đầu tư và phân kỳ đầu tư như thế nào để đảm bảo cho quy hoạch trở thành hiện thực. Ngoài ra, phát triển công nghệ cao với khả năng đáp ứng của thành phố trong từng giai đoạn. Đặc biệt, khu kinh tế bao gồm tổng hoà rất nhiều vấn đề từ đô thị đến công nghiệp, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục... để đảm bảo đời sống của người dân tại khu kinh tế.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng, đi cùng với chủ trương thành lập khu kinh tế này, thành phố phải nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển khu kinh tế đúng với mục đích đã đề ra. Đi song song với vấn đề này, thành phố cũng đang nhờ tư vấn nghiên cứu để xây dựng khu thương mại tự do, cũng là hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù để tăng tính hấp dẫn khi thành phố thu hút đầu tư.

Theo phương án thiết kế quy hoạch tổng thể, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có tổng diện tích 20.000 ha, nằm trên địa bàn bao gồm một phần quận Đồ Sơn và một phần các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Định hướng phát triển nhằm xây dựng khu vực dự kiến từ một vùng đất chủ yếu là nông thôn, trở thành một khu kinh tế sinh thái, tuần hoàn, năng động và bền vững; trung tâm kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; hệ thống đô thị - dịch vụ hiện đại, năng động; trong khi vẫn tôn trọng bản sắc văn hóa và kết nối với các khu vực hiện hữu. Về hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế tại khu vực phía Nam thành phố, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Hải Phòng có vị trí ưu việt để phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực so với các địa phương khác trong cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của Vùng, việc phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại Hải Phòng trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.

Đoàn Minh Huệ

Link nội dung: https://haiphong24h.org/khu-cong-nghiep-khu-kinh-te-tao-luc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thanh-pho-hai-phong-a144677.html