Theo Sci-News, một nghiên cứu mới đã giúp xác định được những mảnh ghép còn thiếu về Gigantopithecus blacki, một sinh vật cùng họ Người (Hominidae) với chúng ta, từng bước đi trên mảnh đất nay là Trung Quốc từ 2,3 triệu năm trước.
Tuy là một vượn nhân hình, Gigantopithecus blacki hoàn toàn khác biệt với các vượn nhân hình cùng chi Homo (chi Người) với Homo sapiens chúng ta.
Chúng có kích thước tương đương một con gấu lớn, với chiều cao có thể lên tới 5 m và nặng hơn nửa tấn. Đó cũng là loài linh trưởng lớn nhất từng được biết đến trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Yingqi Zhang từ Viện Cổ sinh vật có xương sống và cổ nhân loại học - Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã tìm thấy một loạt trầm tích quý giá mới liên quan đến sinh vật này.
Đó là trầm tích từ các hang động cổ đại ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.
Trước đó, bất chấp 85 năm tìm kiếm, hồ sơ hóa thạch của Gigantopithecus blacki chỉ giới hạn bởi 4 hàm dưới và gần 2.000 chiếc răng biệt lập.
Tuy nhiên, nhóm tác giả đã phát hiện một chiếc răng lạ tại một cửa hàng bào chế thuốc ở Hồng Kông - Trung Quốc, được gọi là "răng rồng". Mẫu vật sau đó được xác định là răng Gigantopithecus blacki.
Chính chiếc răng này đã dẫn nhóm nghiên cứu đến các hang động nói trên. Đó cũng là nơi giúp họ vén màn bí ẩn về sự biến mất của "anh em" họ Người của chúng ta.
Các trầm tích cho thấy những sinh vật họ Người khổng lồ này đã sống cho đến khoảng 215.000 - 295.000 năm về trước, cho đến khi môi trường rừng phong phú trước đây bị biến đổi theo tình huống xấu.
Rừng thưa thế chỗ cho những cánh rừng già, gây nên những dấu hiệu căng thẳng mạn tính cho quần thể, kéo theo đó là các cuộc đấu tranh để thích nghi.
Cũng như các vượn nhân hình cùng chi Homo với chúng ta, loài vượn nhân hình này đã không thích nghi đủ tốt để sống còn.
Hiện nay, họ Người chỉ còn tồn tại 8 loài thuộc 4 chi, bao gồm 3 loài đười ươi thuộc chi Pongo, 2 loài khỉ đột khổng lồ thuộc học Gorlla, 2 loài tinh tinh thuộc chi Pan và 1 loài Homo sapines thuộc chi Homo - chính là chúng ta.
Họ Người từng phong phú hơn nhiều vào thời điểm hàng trăm ngàn năm trước. Ví dụ, chi Homo của chúng ta đã từng có khoảng 8-9 loài vào thời điểm Homo sapines ra đời.
Đúng với biệt danh "người tinh khôn", loài của chúng ta đã thích nghi tốt hơn với các giai đoạn điều kiện sống trở nên tồi tệ và làm tuyệt chủng các người anh em, cuối cùng trở thành loài duy nhất chiếm lĩnh chi Homo.
Anh Thư
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bi-an-sinh-vat-ho-nguoi-cao-3-m-tung-song-o-trung-quoc-a145141.html