Lễ cúng ông Công ông Táo ở 3 miền có gì khác biệt?

Đều cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên, phong tục cúng ông Công ông Táo ở 3 miền Bắc - Trung - Nam lại có nhiều nét đặc trưng khác nhau.

 

Theo truyền thống của người Việt, hằng năm, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình gia chủ với Ngọc Hoàng.

Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Ngoài những điểm tương đồng này thì tuỳ theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam có sự khác biệt nhất định.

Ngày giờ cúng ông Công ông Táo

Tại miền Bắc, người dân thường làm lễ cúng ông Công ông Táo từ khá sớm, không nhất thiết phải đúng ngày 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 20, muộn nhất là 12h trưa 23 tháng Chạp.

Tại miền Trung, thời gian cúng ông Công ông Táo là đêm 22, rạng sáng 23 âm lịch.

Tại miền Nam, người dân thường làm lễ vào buổi tối, từ 20h - 23h. Người miền Nam cho rằng vào cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp thì mới được tiễn ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đủ các món ăn truyền thống như xôi, gà, giò, chả, canh măng, nem... Đặc biệt, mâm cỗ cúng ở nhiều địa phương khu vực Bắc bộ sẽ có xôi chè, thường là chè bà cốt, nấu bằng nếp cái, xôi vò, đường nâu và gừng.

Tại miền Trung, một số vùng như Huế và Hội An có tục cúng tượng đất Táo quân và dựng cây nêu sau ngày 23 tháng Chạp. Bộ tượng đất có đầy đủ đồ cúng, hoa tươi, hoa quả, đặt tượng mới và tượng cũ cạnh nhau. Mâm cơm phải có cá thu hoặc cá ngừ.

 Ngoài những món mặn chủ đạo, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người miền Nam có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen... Ảnh minh họa.

Tại miền Nam, do có sự giao thoa văn hóa nên mâm cúng của người miền Nam cũng có sự tương đồng với người miền Bắc. Ngoài những món mặn chủ đạo như: Nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... người miền Nam có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen...

"Phương tiện" để ông Táo lên chầu

Lễ cúng ông Công, ông Táo của người Bắc không thể thiếu cá chép, vật cưỡi của Táo quân khi lên chầu trời.Tùy quan điểm của từng gia đình mà lễ vật là cá chép sống hay cá chép giấy.

Đối với cá sống, những năm gần đây hầu hết mọi người mua loại cá chép đỏ bé xinh được nuôi chuyên dùng cho việc phóng sinh và thả trong ngày 23 tháng Chạp.

Số cá chép được dâng cúng cũng khác nhau tùy từng gia đình, phổ biến nhất là 3 con cho 3 vị. Sau lễ cúng, cá chép được thả ở ao hồ, vừa để Táo quân có phương tiện chầu trời, vừa có ý nghĩa phóng sinh, tích đức hành thiện.

Bàn thờ Táo Quân của người miền Bắc thường bày cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó gồm bộ mũ, hia. Khi đã cúng xong, họ đốt vàng mã và tiễn ba ông đầu rau trong bếp bằng cách thả xuống ao, sau đó thay ba ông đầu rau mới vào bếp và cả bộ mũ trên bàn thờ.

Theo quan niệm, ngày này là thời gian nghỉ ngơi cũng như bàn giao của Hành khiển và Táo Quân nên các gia đình nên dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, đốt hết chân nhang cũ và lau chùi bát hương sạch sẽ để chuẩn bị đón năm mới.

Người miền Trung cũng cúng ông Công ông Táo nhưng phong tục lại khác so với người miền Bắc. Họ vừa thờ Táo Quân trên Trang Ông, vừa thờ trên bàn thờ bếp. Vào tối 30, mùng 1 và ngày rằm, gia chủ đều dâng hoa quả hay thắp nén nhang trên bàn thờ, còn ngày thường thì phải thắp đèn dầu trong bếp, người phụ nữ trong nhà có trách nhiệm giữ sạch sẽ và yên tĩnh nơi bếp núc.

 Tại miền Trung, thay vì cúng cá chép như miền Bắc, người dân ở đây thường cúng một con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên, cương. Ảnh minh họa.

Thay vì cá chép, người dân nhiều nơi ở miền Trung cúng ngựa giấy như đối với những vị thần khác. Thường họ dâng một con ngựa giấy có yên cương đầy đủ, không cúng áo mũ cho các Táo như người miền Bắc.

Người miền Trung thường làm lễ tiễn Táo Quân sẽ lên thiên đình vào ngày 23 tháng Chạp rất trọng thể. Việc đầu tiên là phải thay cát mới trong lư hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ. Sau khi cúng xong, tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đó, họ sẽ rước tượng ba ông Táo mới lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo.

Người dân Huế còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình trong sáng ngày 23. Lễ cúng chiều 30 Tết, họ lại rước thần về và sáng mồng 1 Tết an vị ông Táo mới. Điều đặc biệt là người Huế khi cúng lễ gì trong nhà cũng khấn vái để mời Thần Bếp về chứng giám.

Còn ở miền Nam, thường người dân sẽ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

 

Dưới đây là bài khấn đưa ông Táo về trời, mời các bạn cùng tham khảo:

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

 

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

 

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://haiphong24h.org/le-cung-ong-cong-ong-tao-o-3-mien-co-gi-khac-biet-a145628.html