Thử nghiệm công nghệ mũ bảo hiểm Strokefinder trong cấp cứu đột quỵ

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Cơ quan Dịch vụ cứu thương của bang New South Wales (NSW) của Australia đang thử nghiệm sử dụng một thiết bị công nghệ tiên tiến, có tên là Mũ bảo hiểm Medfield Diagnostics Strokefinder MD100, trong hoạt động sơ cứu và cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ trên đường đến bệnh viện.

thu-nghiem-1-1709171021-1709525722.jpg

Mũ bảo hiểm Medfield Diagnostics Strokefinder MD100. Ảnh: medfielddiagnostics.com

 

Đây là lần đầu tiên trên thế giới, công nghệ mũ bảo hiểm Strokefinder được sử dụng nơi tuyến đầu và bên ngoài bệnh viện.

Cơ quan Y tế bang NSW cho biết thiết bị mới là một thiết bị quét não sử dụng công nghệ đột phá, hiện đang được các nhân viên y tế của Cơ quan Dịch vụ Cứu thương bang NSW ở vùng Hunter sử dụng. Việc thử nghiệm thiết bị mới này có thể cho phép chẩn đoán và điều trị đột quỵ nhanh chóng hơn, điều này giúp nhiều bệnh nhân được can thiệp sớm và kịp thời trong khoảng "giờ vàng" quan trọng.

Ông Ryan Park - Bộ trưởng Y tế phụ trách vùng nông thôn bang NSW, cho biết các nhân viên y tế của Cơ quan Dịch vụ Cứu thương NSW vinh dự được là những người đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết bị mới này.

Giám đốc điều hành Cơ quan Dịch vụ Cứu thương NSW, Tiến sĩ Dominic Morgan, cho biết thiết bị mới hoạt động rất nhanh và thực hiện nhiều thao tác đánh giá não bộ trong vòng 60 giây. Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của các nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt của Cơ quan Dịch vụ Cứu thương NSW và các bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Bệnh viện John Hunter cũng như Viện Nghiên cứu Y khoa Hunter nhằm đánh giá tính khả thi của Mũ bảo hiểm Medfield Diagnostics Strokefinder MD100 trong cấp cứu bệnh nhân trên đường đến bệnh viện.

Ông Morgan mô tả: "Bằng việc kết hợp với ứng dụng telehealth được cải tiến, các nhân viên y tế tại chỗ có thể tham khảo ý kiến của nhóm bác sĩ chuyên khoa thần kinh trong bệnh viện để tối ưu hóa quy trình chăm sóc và nâng cao kết quả tổng thể cho bệnh nhân đột quỵ".

Theo Bộ Y tế bang NSW, cuộc thử nghiệm cho thấy hầu hết các bệnh nhân đều được quét bằng thiết bị mới trong vòng 1 giờ kể từ khi gọi cấp cứu. Theo các kết quả thử nghiệm, chỉ còn chưa đến 5% bệnh nhân đột quỵ cần chụp CT tại bệnh viện trong vòng 1 giờ sau khi phát bệnh.

Bà Yasmin Catley, một quan chức chính quyền bang NSW phụ trách vùng Hunter, cho biết người dân Australia ở các vùng nông thôn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 17% so với những người ở khu vực đô thị. Riêng tại Khu Hunter New England, có khoảng 1.500 người bị đột quỵ mỗi năm, vì vậy việc lựa chọn khu vực này để tiến hành đợt thử nghiệm là phù hợp.

Cuộc thử nghiệm có sự hợp tác giữa Cơ quan Dịch vụ Cứu thương NSW, Cơ quan Y tế Hunter New England, Công ty Medfield Diagnostics của Thụy Điển, Viện Nghiên cứu y khoa Hunter và Titan Neuroscience Research Australia - tổ chức nghiên cứu lâm sàng và công nghệ y tế hàng đầu của Australia. Dự kiến, kết quả cuộc thử nghiệm sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Lê Đạt

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thu-nghiem-cong-nghe-mu-bao-hiem-strokefinder-trong-cap-cuu-dot-quy-a146455.html