Trong 3 ngày, từ 21 đến 23/3, tại Khu di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia đền - chùa Mõ ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, diễn ra Lễ hội truyền thống dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Sỹ Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, cho biết, Lễ hội truyền thống đền - chùa Mõ năm nay thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài huyện Kiến Thụy bởi những nét đặc sắc của Lễ hội cũng như câu chuyện liên quan đến vị công chúa thời nhà Trần được tôn làm phúc thần và được thờ trong đền.
Theo cuốn “Trần triều A Nương Thiên Thính Quỳnh Trân Thượng đẳng thần ngọc phả lục” (Thần tích đền Mõ) do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, được Nhà sử học Ngô Đăng Lợi dịch, vị phúc thần được thờ trong đền Mõ là công chúa Quỳnh Trân nổi tiếng xinh đẹp, hiền đức dưới thời nhà Trần.
Cây gạo gần 750 tuổi tương truyền do công chúa Quỳnh Trân trồng đến nay vẫn tươi tốt và nở hoa đúng dịp Lễ hội truyền thống đền - chùa Mõ (Ảnh: Thái Phan).
Do chán cảnh cung cấm, dù sống trong nhung lụa, nhưng đầy nỗi cô đơn, phiền muộn, công chúa Quỳnh Trân thường cùng người hầu cải trang đến nhiều vùng, tìm thú vui nơi cuộc sống dân dã.
Một hôm, khi qua vùng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là gồm các xã: Du Lễ, Kiến Quốc và Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng), thấy thế đất quý hình con nhạn đang bay, có núi non, sông nước, công chúa Quỳnh Trân liền xin với vua cha cho lập am tu hành. Thương con chẳng nỡ xa, nhưng trước sự quyết tâm của công chúa, vua cha đành ngậm ngùi mà gật đầu đồng ý.
Cùng với lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, cấp lương thực, tiền bạc cho kẻ nghèo đói, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Để điều hành công việc hằng ngày, công chúa Quỳnh Trân nghĩ ra cách dùng tiếng mõ. Nếu trong ngày, hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc, mọi người cứ theo tiếng mõ mà làm.
Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ ở xã Ngũ Phúc đã ra đời và truyền đến ngày nay. Công chúa Quỳnh Trân được mọi người trong vùng gọi với cái tên trìu mến “Bà chúa Mõ”.
Khi mất, bà được người dân trong vùng lập đền Mõ để thờ phụng, hương khói quanh năm. Lễ hội đền - chùa Mõ tưởng nhớ, tri ân công chúa Quỳnh Trân được tổ chức vào 3 ngày, từ 12 đến 14/2 Âm lịch hằng năm.
Trong khuôn viên khu di tích có cây gạo di sản Việt Nam đến nay đã gần 750 tuổi nhưng vẫn tươi tốt. Tương truyền, công chúa Quỳnh Trân đã trồng cây gạo này khi về lập am tu hành. Mùa lễ hội hằng năm cũng là thời gian cây gạo cổ thụ này và những cây gạo thuộc thế hệ con cháu nở hoa đẹp nhất.
Long đình, bát biểu và bài vị của công chúa Quỳnh Trân được rước ra đặt trước cửa đền Mõ trong thời gian diễn ra Lễ hội truyền thống đền - chùa Mõ năm 2024 (Ảnh: Thái Phan).
Một nghi lễ rất độc đáo tại Lễ hội truyền thống đền - chùa Mõ là long đình, bát biểu và bài vị của công chúa Quỳnh Trân được rước từ trong đền ra đặt ở sân trước cửa. Đây là nghi lễ “cầu đảo” (cầu mưa) của người dân địa phương.
Tương truyền, xưa kia, mỗi khi trời hạn hán, đất ngoài đồng nứt nẻ, cây cối khô héo, vạn vật ủ rũ, người dân địa phương lại chọn ngày 12/2 Âm lịch hò nhau khênh long đình, bát biểu và bài vị của công chúa Quỳnh Trân ra trường đảo (đàn cầu mưa) “dầm mưa dãi nắng”. Mục đích của việc làm này là để bà thấu hiểu nỗi khổ vì hạn hán của trăm họ mà ban mưa.
Người dân nơi đây kể rằng, năm nào cũng vậy, nhanh thì vài giờ sau, chậm thì dăm ba hôm sau khi cầu đảo, trời lập tức mưa. Có năm mưa như trút nước, nhiều năm lất phất mưa phùn dù trước đó bầu trời chẳng có dấu hiệu báo trước có mưa.
Một số hình ảnh tại Lễ hội truyền thống đền - chùa Mõ ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024:
Ngô Quang Thái
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-phong-doc-dao-le-hoi-ruoc-bai-vi-phuc-than-ra-dam-mua-dai-nang-a147066.html