Thói quen ăn gà, vịt gây nhiều nguy cơ bệnh tật của người Việt

Theo các chuyên gia, bất kể lý do gì, người dân tuyệt đối không ăn gà, vịt sống hoặc tái vì có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc, đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm.

tiet-canh-ngan-1712890558.jpg
 

Tiết canh ngan, gà, vịt là món khoái khẩu của nhiều người Việt. Ảnh: Riviu.

Liên tiếp hai vụ lây nhiễm cúm gia cầm trên người với chủng H5N1 và H2N9 khiến ngành y tế Việt Nam phát cảnh báo và lo ngại.

Ca đầu tiên là nam sinh ở Khánh Hòa nhiễm cúm A/H5N1. Điều khiến nhiều người lo ngại là triệu chứng bệnh mơ hồ cộng với mặt bệnh hiếm gặp khiến bệnh nhân tử vong khi mới 21 tuổi.

Mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lại có thông báo về trường hợp mắc cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam là người đàn ông 37 tuổi, ngụ Tiền Giang.

Mặc dù thế giới chưa ghi nhận cúm gia cầm lây từ người sang người, việc lây nhiễm giữa gia cầm và gia súc thực tế đã xảy ra. Do đó, sự cảnh giác và thận trọng trong chế biến, ăn uống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều cần nghiêm túc xem xét.

Thói quen ăn uống ẩn chứa hiểm họa

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), văn phòng Việt Nam, cho biết một số chủng virus cúm A có khả năng gây bệnh trên người, động vật phổ biến như H5N1, H1N1, H3N2, H5N6, H7N9...

Trong đó, cúm A/H5N1 được biết đến là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây bệnh trên chim, gia cầm, một số loài động vật khác và có thể lây nhiễm cho con người. Khi mắc bệnh, người bệnh dễ diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao.

"Con người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí", bà Thủy nói.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay thói quen ăn tiết canh hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Đây lại là món ăn "đặc sản" được người dân ở nhiều vùng, miền ưa thích.

Để làm món tiết canh, người ta thường pha mắm, muối cho khỏi đông. Sau đó, họ pha loãng, trộn đều với các phần sụn, thịt nạc băm nhỏ để đông lại và ăn sống.

Vì vậy, nhiều yếu tố khiến tiết canh dễ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh. Máu cũng rất giàu chất dinh dưỡng nên chỉ cần để hơi lâu trong môi trường bên ngoài là có thể bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn sẽ nhân lên rất nhanh.

Ông phân tích trường hợp gia cầm được giết mổ tập trung với số lượng lớn rất khó để có thể lấy tiết ra đảm bảo vệ sinh. Bởi người giết mổ thường không làm sạch dụng cụ sau mỗi lần cắt tiết gia cầm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng gia cầm nuôi như gà, vịt… bị ốm, chết vẫn được sử dụng vì nhiều người cảm thấy "tiếc". Hành động này lại rất nguy hiểm.

"Sở thích ăn thịt gà, thịt vịt tái, sống của người dân cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm, do các loại vi khuẩn phổ biến như Salmonella, Clostridium perfringen, E.coli... và kể cả lây nhiễm cúm A/H5N1", ông nói.

Thận trọng khi chế biến

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo việc ăn thịt gia cầm và trứng an toàn khi chúng được xử lý đúng cách và nấu chín kỹ. Người dân nên nấu chín các loại thịt, trứng này ở nhiệt độ trên 74 độ C, sẽ tiêu diệt vi khuẩn và virus, bao gồm cả virus H5N1.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh thịt và trứng gia cầm bị bệnh phải được tiêu hủy. Khi đang có dịch cúm gia cầm, bạn vẫn có thể sử dụng loại thực phẩm này nhưng chúng cần có nguồn gốc rõ ràng, nấu chín.

"Những người chăn nuôi, giết mổ gia cầm cần có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước khi ăn. Đặc biệt, người dân cần tránh những sản phẩm từ gia cầm chưa được nấu chín như tiết canh ngan, vịt...", PGS Thịnh khuyến cáo.

Hiện bệnh cúm gia cầm trên người chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Để giữ an toàn khỏi các bệnh từ thực phẩm, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hướng dẫn cách xử lý và nấu đúng cách thịt gia cầm và trứng:

Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây trước và sau khi xử lý thực phẩm.
Làm sạch thớt, bát đĩa, dụng cụ và mặt bàn bằng nước xà phòng nóng sau khi chuẩn bị từng món ăn.
Tách thịt gia cầm sống và trứng ra khỏi các thực phẩm khác. Sử dụng một thớt cho sản phẩm tươi sống và một thớt khác cho gia cầm sống.
Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã đựng thịt sống, kể cả thịt gia cầm hoặc trứng trừ khi đĩa đã được rửa bằng nước xà phòng nóng.
Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng trứng cứng lại.
Chỉ sử dụng các công thức yêu cầu trứng được nấu chín hoặc đun nóng kỹ.
Trong chế biến, chúng ta nên sử dụng nhiệt kế thực phẩm là cách tốt nhất để đảm bảo rằng các món ăn có trứng và thịt gia cầm được nấu chín đúng cách. Những thực phẩm này phải được nấu ở nhiệt độ bên trong tối thiểu an toàn là 74 độ C đối với gia cầm và các món ăn có trứng.

Phương Anh

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thoi-quen-an-ga-vit-gay-nhieu-nguy-co-benh-tat-cua-nguoi-viet-a147889.html