Đu đủ là loại thực phẩm thông dụng. Quả đu đủ được sử dụng khi còn xanh như một loại rau (làm nộm, xào, nấu, hầm) hoặc ăn chín như một loại trái cây.
Phần thịt đu đủ sống chứa 88% nước, 11% carbohydrate, chất béo và protein không đáng kể. 100g quả đu đủ cung cấp 43 kcal, 75% nhu cầu vitamin C, 10% nhu cầu vitamin E và folate hàng ngày. Quả đu đủ tiết ra dịch mủ khi chưa chín, có thể gây kích ứng và phản ứng dị ứng ở một số người.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, đu đủ là loại trái cây thơm ngon, dễ ăn, rất tốt cho sức khỏe và có tác dụng chữa bệnh. Từ lâu, khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ăn đu đủ có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư đại trực tràng.
Chất xơ trong đu đủ có thể “thu gom” các độc tố gây bệnh trong đại trực tràng và bảo vệ tế bào khỏe mạnh trước nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Trong đu đủ còn chứa các dưỡng chất như: Folate, vitamin C, beta-carotene, vitamin E, tác dụng giảm thiểu bệnh ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do gây tổn thương ADN. Vì vậy, tăng cường ăn đu đủ cũng là biện pháp phòng ngừa ung thư đại trực tràng tốt cho bạn.
Ngoài hỗ trợ ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, trong đủ đủ có chứa lycopene có tác dụng tích cực với đàn ông trong việc giảm thiểu bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Những người có thói quen ăn các loại thực phẩm giàu lycopene như: đu đủ, cà chua, cà rốt, nho thẫm màu, dưa hấu... giảm được tới 82% nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến so với nhóm người không ăn các thực phẩm này.
Đu đủ có tác dụng chữa bệnh.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K, trong quả đu đủ có enzyme papain (giúp phân giải chất đạm) có tác dụng ức chế vi khuẩn, giảm sưng sau phẫu thuật và hủy đi lớp màng protein bao quanh tế bào ung thư hỗ trợ cho cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư. Nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, lycopene có trong đu đủ có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú và ung thư gan.
Ngoài quả thì lá đu đủ cũng được sử dụng để nấu ăn, nhiều người sử dụng lá đu đủ như một vị thuốc. Lá đu đủ chứa lượng nhỏ protein, lipid, carbohydrat, ngoài ra còn có chất xơ, betacaroten, một số vitamin (B1, B2, B3, B6, B9, C) và chất khoáng (canxi, magie, sắt, phospho, K).
Trong lá đu đủ cũng chứa một số chất sinh học có tác dụng chống oxi hóa, giảm sốt (flavonoids, comaurins), đề kháng ung thư (cyanogenic glycosides), đề kháng đái tháo đường (quinones).
Lá đu đủ đang được nghiên cứu về ảnh hưởng và tác dụng với bệnh lý. Một nghiên cứu với dịch chiết xuất từ lá đu đủ khô cho thấy chúng có tác dụng ức chế tăng trưởng của một số tế bào khối u, tăng cường độc tính tế bào chống lại các tế bào ung thư và có điều chỉnh các gen liên quan đến chống khối u.
Lá đu đủ mang lại lợi ích, tuy nhiên cũng có nguy cơ có hại, hơn nữa tương tác giữa thuốc - thảo mộc có thể xảy ra giữa lá đu đủ và một số loại thuốc điều trị bệnh lý đái tháo đường và một số thuốc kháng sinh.
Chuyên gia khuyến cáo không nên tự ý sử dụng nước ép từ lá đu đủ tự nhiên cho việc điều trị bệnh lý mà không có sự tư vấn từ nhân viên y tế.
NGUYỄN NGOAN
Link nội dung: https://haiphong24h.org/tac-dung-phong-chong-benh-ung-thu-cua-qua-va-la-du-du-a147957.html