Mạng xã hội gần đây xuất hiện trào lưu trộn mắm tôm, hành lá vào trà sữa. Một số TikToker còn mua về, quay clip review đăng lên trang cá nhân hàng trăm nghìn người theo dõi.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), đánh giá đó là trào lưu ăn uống phản khoa học. Bản chất trà sữa ngọt, người ta thường pha chế thêm với thạch, trân châu để giảm độ ngọt. Khi cho thêm lá hành, mắm tôm vào trà sữa, chúng không chỉ gây mất vị mà các gia vị đối nghịch nhau có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
"Việc kết hợp trà sữa, mắm tôm sau đó đưa lên mạng xã hội có lẽ để tạo thu hút, tò mò của người xem", ông Thịnh nói.
Uống trà sữa pha mắm tôm đu trend hay tự gây hại sức khoẻ. Ảnh: VTC News.
Với các nguyên liệu như hành lá, cá chiên hay mắm tôm, dù được nấu chín cũng không nên kết hợp với trà sữa, đây đều là nguyên liệu nặng mùi, gây mất vị đồ uống, thậm chí là phản cảm với người dùng. Nếu cố tình sử dụng, người dùng bị ngộ độc thực phẩm.
Ngay với cả trà sữa truyền thống, chúng ta không nên sử dụng quá thường xuyên. Đây là đồ uống nhiều năng lượng, gây tăng cân, béo phì nhanh chóng. Ngoài đường, thành phần của trà sữa chính là kem béo pha với bột trà và chất phụ gia, khi sử dụng, cơ thể phải hấp thụ nhiều chất béo bão hòa, dẫn tới tăng cân nhanh.
Hiện không ít cửa hàng trà sữa còn dùng bột màu thay cho bột trà tự nhiên, do có hương vị tương đồng, người dùng khó có thể nhận ra, nhưng thành phần thực tế lại là chất hóa học tổng hợp.
Nếu uống quá nhiều hoặc lượng phụ gia được thêm vào quá ngưỡng, khi tích tụ lâu dài sẽ là gánh nặng của gan và thận, làm suy giảm chức năng của các bộ phận này. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều đường cũng khiến cho gan, thận hoạt động quá tải, ảnh hưởng đến chức năng của bộ phận này.
Không ít người tự mua trà và sữa về pha theo sở thích, việc này theo PGS Nguyễn Duy Thịnh là không nên, nguyên nhân là nguyên liệu, thành phần làm trà sữa mua ở chợ hay các cửa hàng chưa đảm bảo chất lượng, các cơ quan chức năng đã bắt nhiều trường hợp bán nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Việc kết hợp trà và sữa nếu xét về mặt khoa học cũng không nên. Lý do, các protein casein trong sữa làm suy giảm các hợp chất trong trà. Trong khi đó, các hợp chất này có tác dụng tăng cường bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch. Ngược lại, trà cũng đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể kịp hấp thu.
"Nếu thích trà sữa, một tuần bạn chỉ uống 1-2 lần, chọn loại nhỏ, ít đường, mua ở các thương hiệu uy tín", ông Thịnh nói.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chuyen-gia-noi-ve-mon-tra-sua-pha-mam-tom-a148374.html