Trăn trở nghề làm muối truyền thống ở Bàng La

Nghề làm muối truyền thống ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã từng đem lại cuộc sống đủ ăn, đủ mặc cho nhiều gia đình diêm dân.

nghe-muoi-1-1717462036.jpg
 

Nghề muối truyền thống tại Bàng La dần mai một.

Giữ lửa nghề

Phường Bàng La là địa phương còn nhiều khó khăn của quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Tuy là một phường gần biển nhưng nghề chính của người dân Bàng La vẫn là làm ngư nghiệp, nông nghiệp. Cách đây 40 năm, ở Bàng La có tới 4 hợp tác xã sản xuất muối với khoảng 1.600 xã viên. Cùng với tốc độ đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nghề muối truyền thống dần mai một thay vào đó là diện tích trồng táo và rau màu.

Tuy còn rất ít hộ làm muối nhưng Bàng La vẫn là địa phương duy nhất tại Hải Phòng còn duy trì nghề làm muối truyền thống.

Ông Hoàng Gia Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Bàng La cho biết: Cách đây gần 40 năm, ngày ấy Bàng La còn là một xã nghèo của huyện Kiến Thụy thì nghề làm muối là nghề chính của người dân. Địa phương có 4 hợp tác xã sản xuất muối gồm: Đại Phong, Đại Thắng, Quyết Tiến và Đồng Tiến. Với khoảng 1.600 xã viên theo nghề làm muối và màu trắng của muối phủ kín những cánh đồng. Cao điểm Bàng La có tới 140 ha ruộng muối, mỗi năm làm ra hơn 7.000 tấn muối thành phẩm.

“Nghề muối từng là nghề chính, mưu sinh của diêm dân nơi đây. Muối là cuộc sống, là niềm vui, hạnh phúc đủ đầy cho các gia đình. Nay, vì nhiều lý do, chỉ còn khoảng 5 hộ theo nghề làm muối”, ông Cường cho biết.

ba-pham-thi-uong-2-1717462090.jpg
 

Bà Phạm Thị uông (66 tuổi, thôn Đại Phong, phường Bàng La) đang thu hoạch muối.

Một trong những nguyên nhân nghề muối bị mai một, theo ông Cường lý giải, khi muối miền Trung, muối nhập khẩu từ Ấn Độ được đưa về ồ ạt với mức giá chỉ rẻ bằng nửa thì muối Bàng La dần bị mất chỗ đứng. Vì thế, người dân Bàng La dù quanh năm đầu tắt, mặt tối ngoài cánh đồng cũng không đủ ăn. Dù còn tiếc nuối nhưng nhiều gia đình buộc phải bỏ nghề. Những ô ruộng muối dần chuyển dần thành đầm nuôi trồng thủy sản và nhường chỗ cho cây táo, cà chua.

Hơn nữa, khi tốc độ độ công nghiệp hóa tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo Bàng La. Nhiều thanh niên trai tráng đã không còn mặn mà với cánh đồng muối mà theo nhau vào nhà máy xí nghiệp kiếm công ăn, việc làm thu nhập cao hơn.

Nuôi ước mơ thoát nghèo

Theo kinh nghiệm nhà nông, tháng 4, tháng 5 là lúc thời tiết nắng nóng cao điểm trong mùa hè và cũng là lúc thu hoạch muối lớn nhất của diêm dân. Năm nay, thời tiết không ổn định, mưa nhiều nên muối không được mùa.

Trên cánh đồng gần 2.800m2, bà Phạm Thị uông (66 tuổi, thôn Đại Phong, phường Bàng La) đang thoăn thoắt thu hoạch muối. Bà là một trong số ít hộ nông dân tại Bàng La còn giữ được lửa nghề. “Năm nay, thời tiết mưa nhiều nên muối mất mùa. Ngày cao điểm, nhà tôi chỉ thu được hơn 1 tạ muối”.

Làm nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, con nước và nghề làm muối cũng không ngoại lệ. Bà Uôm cho hay, người làm muối luôn thấp thỏm “trông trời, trông đất, trông mưa”. Nếu nắng to thì nông dân khấp khởi mừng vì được thu muối. Nhưng bỗng dưng có cơn mưa thì xác định mất trắng.

Theo chia sẻ của người dân Bàng La, để sống với nghề làm muối không dễ dàng. Do điều kiện tự nhiên, nước biển khu vực miền Bắc nhạt hơn biển ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Nếu như dân miền trong chỉ cần bơm nước lên ruộng để nước bốc hơi kết tinh thành muối, thì diêm dân Bàng La phải tìm cách tăng độ mặn cho nước. Để tồn tại với nghề, người dân nghĩ ra cách làm muối theo phương pháp “chạt” phức tạp và rất vất vả.

nghe-muoi-3-1717462133.jpg
 

Nghề trồng muối vất vả quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Chia sẻ về phương pháp “chạt”, bà Uôm cho biết: “Chạt” là những bể nhỏ xây dạng hình chữ nhật, có một đầu thoát được nước ra phía ngoài. Nước biển được dẫn qua hệ thống thủy lợi vào các thửa ruộng. Khi làm muối, diêm dân văng các lớp cát mỏng lên trên ruộng để làm ướt cát. Nắng làm nước bốc hơi, từng hạt muối nhỏ li ti kết tinh bám chặt vào cát. Cuối mỗi ngày, họ sẽ gom cát phơi lại rồi đổ vào “chạt”. Sau đó, cát được được lèn chặt rồi cho lượng nước biển vừa đủ và lọc lấy nước trong có độ mặn cao hơn. Thứ nước “chạt” này sau đó được cho lên ruộng để phơi, bốc hơi kết tinh thành muối. Toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 1,5 ngày.

Muối được làm theo phương pháp “chạt” sẽ có vị mặn tự nhiên, loại bỏ được vị chát, vị gắt so với muối được phơi trực tiếp từ nước biển. Cũng chính vì điều này, muối Bàng La được những người sành ăn ưa chuộng. Các hộ làm mắm chắt ở địa phương thường xuyên đặt hàng với số lượng lớn. Nước quyền (nước rỉ ra trong quá trình bảo quản muối) cũng được các hộ làm đậu phụ đặt mua dài hạn. Do lượng cung không đủ cầu, gia đình bà Uôm cũng như các hộ dân còn lại ít phải lo nghĩ đầu ra.

Cùng với phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm quê hương, chính quyền phường Bàng La luôn quan tâm, động viên các hộ dân cố gắng theo nghề làm muối truyền thống. “Chúng tôi mong Sở Du lịch, UBND quận Đồ Sơn xem xét, xây dựng các tua, tuyến du lịch trải nghiệm nghề làm muối, giúp tăng thu nhập cho diêm dân”, ông Hoàng Gia Cường mong muốn.

Thảo Nguyên

Link nội dung: https://haiphong24h.org/tran-tro-nghe-lam-muoi-truyen-thong-o-bang-la-a149671.html