Tinh dầu cung cấp dưỡng chất, độ ẩm và giúp tóc "chống chọi" lại những tác động xấu từ bên ngoài khiến tóc bị hư tổn.
Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy tình trạng rụng tóc ngày càng tăng khi bôi dầu lên da đầu.
Bác sĩ da liễu Ishmeet Kaur (Ấn Độ) chia sẻ: “Ngay cả khi bạn bôi dầu dưỡng tóc không đúng cách cũng có thể dẫn đến rụng tóc.”
Dùng quá nhiều dầu
Một trong những sai lầm phổ biến nhất là bôi quá nhiều dầu lên da đầu và tóc cùng một lúc. Dầu giúp dưỡng ẩm và bảo vệ tóc nhưng việc dưỡng ẩm quá mức khiến tóc bị nặng, mềm và dễ gãy rụng.
Da đầu cũng trở nên nhờn hơn, dẫn đến lỗ chân lông bị tắc và có khả năng gây rụng tóc. Tốt nhất nên dùng một lượng dầu vừa phải, thoa đều lên da đầu và các sợi tóc.
Ảnh minh họa
Thoa dầu quá thường xuyên
Ngoài việc đổ dầu quá nhiều, việc bôi dầu thường xuyên cũng dẫn đến sự tích tụ sản phẩm trên da đầu và tóc, làm nặng sợi tóc và khiến chúng dễ bị gãy hơn.
Theo thời gian, sự tích tụ này cũng thu hút bụi bẩn và chất ô nhiễm, dẫn đến các vấn đề về da đầu và rụng tóc. Do đó chuyên gia khuyên người dùng tránh bôi dầu lên tóc quá 1-2 lần một tuần.
Dùng sai loại dầu
Các loại tóc khác nhau cần loại dầu khác nhau. Tiến sĩ Kaur giải thích: “Sử dụng sai loại dầu dẫn đến các vấn đề như kích ứng da đầu, dị ứng hoặc rụng tóc nhiều hơn.
Các loại dầu nặng như dầu thầu dầu có thể quá nhiều đối với tóc mỏng, trong khi các loại dầu nhẹ hơn như hạnh nhân hoặc jojoba không cung cấp đủ độ ẩm cho tóc thô hoặc khô. Hãy chắc chắn rằng bạn chọn loại dầu dựa trên loại tóc và tình trạng da đầu của bạn”.
Xoa tóc quá mạnh
Xoa bóp da đầu bằng toàn bộ sức lực có thể gây hư tổn cho tóc và dẫn đến rụng tóc. Nó cũng làm trầm trọng thêm các tình trạng da đầu hiện có như gàu hoặc viêm da. Do đó, hãy nhẹ nhàng khi thoa dầu và dùng đầu ngón tay massage da đầu theo chuyển động tròn nhẹ nhàng.
Giữ dầu dưỡng tóc quá lâu
Việc để dầu trên tóc trong thời gian dài gây bí da đầu, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Điều này thậm chí làm chân tóc yếu đi và gây rụng tóc.
Lý tưởng nhất là để dầu lưu lại trong 3-4 giờ, sau đó gội sạch bằng dầu gội nhẹ.
Không dùng dầu ấm
Dầu ấm thẩm thấu vào da đầu hiệu quả hơn dầu lạnh. Dầu lạnh có xu hướng đọng lại trên bề mặt, không cung cấp đủ dưỡng chất.
Tuy nhiên, mọi người cũng nên tránh bôi dầu nóng trực tiếp lên da đầu vì có thể gây bỏng. Làm ấm dầu một chút trước khi thoa, đảm bảo dầu ấm thoải mái nhưng không nóng.
Buộc tóc quá chặt
Tiến sĩ Kaur cho biết: “Việc buộc chặt tóc lại, đặc biệt là sau khi bôi dầu, có thể kéo tóc ra khỏi nang tóc. Theo thời gian, điều này ảnh hưởng và ngăn cản sự phát triển của tóc, các vết hói sẽ dần xuất hiện.
Nếu bạn phải buộc tóc, hãy dùng dây buộc tóc lỏng và nhẹ nhàng hoặc vải mềm để tránh tạo áp lực lên các nang tóc.”
Chải tóc sau khi bôi dầu
Chải tóc ướt hoặc vừa xoa dầu dẫn đến gãy rụng, đặc biệt nếu chải quá mạnh. Tóc ướt mỏng manh và dễ bị hư tổn hơn, việc chải kỹ rất dễ gây rụng tóc. Tốt nhất nên chải khi tóc khô hẳn hoặc khô một phần và dùng lược răng thưa để gỡ rối nhẹ nhàng.
Ảnh minh họa
Dùng dầu khi da đầu nhiều gàu
Thoa dầu trực tiếp lên da đầu bị gàu có thể làm tình trạng thêm trầm trọng. Dầu sẽ giữ lại các vảy và bụi bẩn, dẫn đến kích ứng thêm và có khả năng nhiễm trùng. Tập trung trị gàu bằng các loại dầu gội trị gàu phù hợp để kiểm soát tình trạng rụng tóc.
Gội đầu sai cách
Nếu không gội đầu đúng cách sau khi bôi dầu, việc để lại dầu thừa và cặn trên da đầu sẽ thu hút bụi bẩn và gàu. Điều này dẫn đến các vấn đề về da đầu và rụng tóc theo thời gian. Do đó, nên sử dụng dầu gội nhẹ nhàng cùng với nước ấm để làm sạch hoàn toàn da đầu và tóc sau khi bôi dầu.
Phương Anh (Theo Healthshots)
Link nội dung: https://haiphong24h.org/10-thoi-quen-khi-duong-lam-toc-rung-khong-kiem-soat-a151800.html