Bấm huyệt, châm cứu...cũng có thể bị tai biến nếu làm ở cơ sở không phép

Giác hơi, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt…là những thủ thuật chữa bệnh độc đáo trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, nếu tự thực hiện tại nhà hoặc tại những cơ sở không được cấp phép thì dễ gây ra những tai biến nguy hiểm cho người bệnh.

Gần đây, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ, liệt hoàn toàn nửa người phải, trên da vùng cổ bên trái vẫn in hằn dấu tích dụng cụ giác hơi. Trước đó, bệnh nhân đã nhờ người thực hiện giác hơi tại nhà, đây là nguyên nhân trực tiếp gây bóc tách động mạch cảnh trong, dẫn đến tình trạng đột quỵ.

bam-huyet-1724202219.jpg

Khi muốn xoa bóp, bấm huyệt...người bệnh nên chọn các cơ sở chuyên khoa uy tín

 

Không chỉ bệnh nhân này, tại các bệnh viện cũng thường gặp những trường hợp bị tai biến do áp dụng các biện pháp dân gian không có cơ sở khoa học hoặc các thủ thuật chữa bệnh tại những cơ sở không phép. Thậm chí có bệnh nhân tử vong một cách đáng tiếc chỉ vì tin lời của những thầy lang tự xưng, không có bằng cấp và không được đào tạo bài bản.

Thầy thuốc nhân dân, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết, giác hơi, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, chích lể… là những thủ thuật chữa bệnh độc đáo trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, các thủ thuật này không được sử dụng rộng rãi và tùy tiện mà cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, bởi những thầy thuốc được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao và được cơ quan chức năng cấp phép hành nghề.

Khi được đào tạo bài bản, các y bác sĩ chuyên khoa đông y sẽ được học về giải phẫu cơ thể và thực hiện đúng kỹ thuật để tránh không gây tai biến cho người bệnh. Đồng thời, các bác sĩ cũng hiểu những trường hợp nào chống chỉ định đối với các thủ thuật này. Nếu người bệnh đi châm cứu, giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt…tại các cơ sở chữa bệnh tự phát, người thực hiện không có giấy phép hành nghề thì nguy cơ mất an toàn cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất lớn.

"Ví dụ như châm cứu, nếu ở vùng phổi mà châm sâu quá có thể gây thủng phổi, dẫn đến tràn khí màng phổi, rất nguy hiểm. Hoặc khi xoa bóp bấm huyệt thì lực tác động cũng vừa phải, tùy theo vị trí của huyệt. Có những huyệt không thể sử dụng lực quá mạnh. Hoặc có những vị trí như đốt sống cổ, nếu thực hiện những động tác quá chức năng sinh lý của cột sống thì có thể gây ra chấn thương, thậm chí gây liệt, rất nguy hiểm cho bệnh nhân” - PGS-TS Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo.

PGS-TS Đậu Xuân Cảnh cho biết thêm, biện pháp chích lể cũng là một thủ thuật chữa bệnh của y học cổ truyền, tuy nhiên, thủ thuật này cần được thực hiện tại cơ sở y tế được cấp phép và các dụng cụ như kim tiêm, vật sắc nhọn phải đảm bảo vô trùng. Nếu không đảm bảo yếu tố vô trùng, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng da hoặc nặng hơn là nhiễm trùng máu.

“Người bệnh nên biết rằng, bất cứ thủ thuật y tế nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ tai biến nếu không được thực hiện đúng và các điều kiện đảm bảo an toàn. Khi muốn chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi, để an toàn và hiệu quả, người bệnh nên đến những cơ sở y tế, các phòng khám được cấp phép và những thầy thuốc đã được đào tạo một cách bài bản. Bởi nếu có xảy ra sự cố nào đấy thì các cơ sở y tế này có thể chủ động kiểm soát, không để dẫn đến những biến chứng phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuyệt đối không đến được cơ sở không được cấp phép, hành nghề chui bởi nếu xảy ra tai biến thì không ai chịu trách nhiệm về sức khỏe và tính mạng của người bệnh” - PGS-TS Đậu Xuân Cảnh đưa ra lời khuyên.

Ánh Tuyết

Link nội dung: https://haiphong24h.org/bam-huyet-cham-cuucung-co-the-bi-tai-bien-neu-lam-o-co-so-khong-phep-a152348.html