Báo Lao Động đưa tin, sáng 15/9, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, tính đến ngày 14/9, bão số 3 đã làm 2 người tử vong, 65 người bị thương.
Về thiệt hại tài sản, toàn thành phố có 102.873 nhà ở bị hư hại; 94 công trình quốc phòng, an ninh, 575 điểm trường bị hư hại; 467 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; 895 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa bị hư hại.
Có 25.561 ha diện tích lúa, 3.305 ha diện tích hoa màu, rau màu và 3.303 ha diện tích rừng bị hư hại; 82.006 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 4.655 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 3.215 cột điện bị gãy đổ; 70 trạm biến thế bị hư hại; 30.554 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị hư hại; 1.268 công trình trụ sở cơ quan bị hư hại; 213 chợ, trung tâm thương mại bị hư hại...
Ông Lê Tiến Châu Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì cuộc họp khắc phục hậu quả bão Yagi. Ảnh: Lao Động
Tổng thiệt hại tính đến thời điểm hiện nay được thống kê ước là 10.820 tỷ đồng
Tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố là ở mức rất lớn, còn một số đơn vị, địa phương do chưa khôi phục hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc, nên chưa thể đánh giá, thống kê đầy đủ.
Tại cuộc họp Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng chiều ngày 14/9, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đánh giá cao sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang; đặc biệt vui mừng khi nhận được sự đồng lòng, ủng hộ, không chủ quan của người dân trong công tác phòng, chống cơn bão số 3.
Theo báo Công lý, trong công tác khắc phục, Bí thư Thành ủy yêu cầu cấp bách, kịp thời, phải nắm chắc được các thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật; có hướng dẫn chi tiết cho đơn vị triển khai; các việc thống kê thiệt hại, chi phí sử dụng nguồn nào, mức độ bao nhiêu, đối tượng là ai,.. phải bám sát theo quy định; nghiêm cấm việc trục lợi chính sách từ chính sách này.
Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo huy động mọi nguồn lực; cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết để tập trung khắc phục hậu quả sau bão; khẩn trương phân bổ kinh phí để các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học sửa chữa, khắc phục hậu quả.
Ông Lê Tiến Châu kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại huyện Cát Hải. Ảnh: Báo Công lý
UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Công Thương và Văn phòng UBND thành phố khản trương thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất cho những khách hàng bị ảnh hưởng bão.
Nghiên cứu có cơ chế ưu đãi về thuế, tiền điện, nước; chính sách chi trả tiền lương, BHXH cho người lao động bị thiệt hại tại các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sau bão.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu giải pháp khắc phục, không được để người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Các cấp, ngành, nhất là Công đoàn phải kịp thời triển khai các hoạt động quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động chịu ảnh hưởng do bão số 3; lực lượng vũ trang vẫn phải bảo đảm, an ninh chính trị,PCCC.
Giao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam thành phố chỉ đạo trên cơ sở thiệt hại do các đơn vị, địa phương báo cáo, có Kế hoạch phân bổ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng nơi; trước mắt phân bổ ngay kinh phí hỗ trợ để các địa phương hỗ trợ người dân thiệt hại nhà sau bão, nhất là các nhà bị tốc mái, sập nhà…
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-phong-thiet-hai-gan-11000-ty-sau-con-bao-so-3-a153013.html