Bão số 4 tiến gần, các địa phương gấp rút triển khai phương án ứng phó

Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung. Trước tình hình này, các địa phương như Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình và Bình Định đã nhanh chóng triển khai phương án ứng phó, đồng thời siết chặt việc quản lý và cấm tàu thuyền ra khơi.

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, các tỉnh như: Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình và Bình Định đã phát công điện về việc chủ động ứng phó.

Tại Quảng Trị, sáng 18/9, Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cho biết, đơn vị đã huy động các cán bộ, chiến sĩ triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh lên thành bão.

 Cắt tỉa cây xanh ở đảo Cồn Cỏ.

Theo đó, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, Nhân dân đồng loạt ra quân thực hiện triển khai cắt tỉa cây xanh, gia cố nhà cửa, kiểm tra khu neo đậu tàu, thuyền để ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

 Lực lượng chức năng dùng bao cát để gia cố các mái tôn tại các trụ sở, nhà dân tại huyện đảo Cồn Cỏ.

Đồng thời, vận động và hỗ trợ du khách đến tham quan trên địa bàn di chuyển vào đất liền để đảm bảo an toàn.

Theo lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ, trên địa bàn hiện có hơn 20 hộ dân sinh sống với gần 100 nhân khẩu. Ngoài hoạt động đánh bắt thủy sản, người dân còn sản xuất chăn nuôi theo chương trình dự án giảm nghèo bền vững. Huyện đang triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Ngoài việc giúp dân, các cán bộ, chiến sĩ còn được phân công duy trì quân số, túc trực những nơi xung yếu.

Trong sáng nay (18/9), khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ của các đồn Biên phòng: Cửa Tùng, Hải An, Triệu Vân, Cồn Cỏ và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt đã cùng người dân đưa hàng trăm tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn.

 Lực lượng Biên phòng neo đậu tàu thuyền giúp ngư dân.

Ngoài việc giúp dân, các cán bộ, chiến sĩ còn được phân công duy trì quân số trực tại các điểm xung yếu. Đồng thời, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập úng, gia đình neo đơn… triển khai lực lượng thường trực, chuẩn bị sẵn sàng nơi ăn ở cho người dân vào tránh trú trong đơn vị khi cần thiết.

Tại Thừa Thiên Huế, lực lượng BĐBP tỉnh cũng đi kiểm tra và chỉ đạo các đồn Biên phòng dọc khu vực biên giới biển khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, chú trọng công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn.

 Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An buộc dây tránh va đập, đứt neo trôi dạt.

Đến 12h ngày hôm nay (18/9), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi 1.884 phương tiện/10.685 lao động, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. Riêng tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu là 23 phương tiện/194 lao động.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng yêu cầu các Đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng tổ chức triển khai, hướng dẫn các phương tiện vào neo đậu, tránh va đập, đứt neo trôi dạt.

Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa có công điện hoả tốc yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

 Hải Phòng chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. (Ảnh minh hoạ).

Thường xuyên theo dõi, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo UBND TP các nội dung cần chỉ đạo. Tập trung triển khai ngay các biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân. Chủ động rà soát, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, nhà ở cũ yếu, khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển để sẵn sàng, chủ động thực hiện các biện pháp di dời người dân đảm bảo an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực về Phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động tham mưu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP, UBND TP các nội dung chỉ đạo để ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin diễn biến ATNĐ, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp.

 Vị trí và hướng di chuyển của ATNĐ. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Chủ tịch tỉnh yêu cầu những đơn vị này chủ động triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển; kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với ATNĐ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại; canh gác, cảnh báo, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở. Kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống; tổ chức vận hành điều tiết các công trình hồ chứa nước theo quy định; chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ…

Ngoài ra, các đơn vị chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó ATNĐ, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

 Một số tàu cá Quảng Nam đã vào bờ an toàn để phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát các khu vực xung quanh doanh trại, địa bàn đóng quân, kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở, lũ quét để có biện pháp di dời cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, trang bị đến nơi an toàn; các đồn biên phòng tuyến núi tổ chức kiểm tra, có biện pháp khắc phục sạt lở đường biên, mốc quốc giới theo quy định.

3 đơn vị gồm: Đồn Biên phòng CKC Kỳ Hà, Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm xây dựng kế hoạch, tổ chức bắn pháo hiệu thông báo ATNĐ theo quy định. 150 cán bộ chiến sĩ/21 phương tiện đã được huy động để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN.

Theo báo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng nay 18/9, địa phương này có 206 tàu cá đang hoạt động trên biển.

Cụ thể, trong tổng số 2.576 tàu cá của Quảng Nam với 13.520 lao động, hiện còn 206 tàu với 1.942 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, 144 tàu với 761 lao động hoạt động ở vùng lộng, khu vực Hoàng Sa có 25 tàu với 176 lao động, khu vực Trường Sa có 37 tàu với 1.005 lao động.

 Tuy nhiên, hiện Quảng Nam vẫn còn 206 tàu với 1.942 lao động đang hoạt động trên biển. Do đó, lực lượng Biên phòng tỉnh này kêu gọi các phương tiện vào bờ tránh trú.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo kêu gọi 13 phương tiện đang hoạt động tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ vào bờ tránh trú, dự kiến hôm nay 18/9 các tàu sẽ vào cảng An Hòa (Núi Thành).

Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cũng gửi công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, bão; tổ chức kiểm đếm; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ, bão để chủ động phòng tránh; Quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Cấm tất cả các phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12 giờ ngày 18/9.

Cơ quan chức năng giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Thông báo, hướng dẫn và kêu gọi các chủ lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản trên sông, biển khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn.

Ông Giang yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng.

 Từ 12 giờ ngày 18/9, Quảng Ngãi cấm tất cả tàu thuyền ra khơi hoạt động.

Đối với ứng phó mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND các huyện, thị xã, TP theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.

Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân, cơ sở sản xuất ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu.

UBND các huyện bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm.

Kiểm tra công trường và chỉ đạo chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên sông, suối, vùng ven biển chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động, khẩn trương thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể mạnh lên thành bão, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó và giúp dân phòng, chống bão.

Ngay trong đêm 17/9, các Đài canh vô tuyến điện tuyến biên giới biển đã thực hiện hàng trăm lượt thông báo, kêu gọi các phương tiện hoạt động trên khu vực biển nguy hiểm khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn. Lực lượng BĐBP Quảng Bình đã tổ chức kiểm đếm, cập nhật hải trình các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

 BĐBP tỉnh Quảng Bình theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão số 4. Ảnh: Hoài Nam

Trên tuyến biên giới đất liền, qua hệ thống loa truyền thanh bản xa, các đơn vị đã thông báo diễn biến tình hình thời tiết tới các thôn bản, rà soát kiểm tra các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập úng và sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Kêu gọi người dân không đi vào rừng và liên lạc yêu cầu những người dân đang ở trong rừng trở về nhà.

Qua hệ thống giám sát và kiểm đếm tàu thuyền, trên địa bàn Quảng Bình có 7.313 phương tiện tàu thuyền với 18.979 lao động. Tính đến thời điểm 10h sáng 18/9, đã có 7.262 phương tiện vào neo đậu tại các bến cảng. Trên biển hiện còn 51 phương tiện đang hoạt động trên biển. Cụ thể, vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ có 43 tàu với 287 lao động, dự kiến chiều 18/9, các tàu sẽ vào bờ. Vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có 8 phương tiện với 40 lao động đang neo đậu tránh gió ở cửa Tĩnh Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi.

 Lực lượng Đồn Biên phòng Nhật Lệ (Quảng Bình) kêu gọi và sắp xếp tàu thuyền về âu thuyền Bảo Ninh neo đậu tránh bão. Ảnh: Hoài Nam.

Hiện Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bám địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến của bão, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là công tác chủ động di dời dân các bản làng biên giới ở các sườn đồi có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét; kiểm tra và bổ sung lượng lương thực thực phẩm dự phòng. Các đơn vị tuyến biển phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền tại các khu vực neo đậu trên sông Gianh, sông Dinh, Nhật Lệ và sông Loan để đảm bảo an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của bão, Quảng Bình cũng đã ban hành lệnh cấm biển từ 0h ngày 19/9 cho đến khi an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn.

Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các Sở ngành, địa phương trên địa bàn khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, đồng thời thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Chủ tịch UBND các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng phải có trách nhiệm tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản.

Được biết, vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới được xác định từ vĩ tuyến 15,0N - 19,0N; phía Đông kinh tuyến 112,5E (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Thời gian tới, tỉnh Bình Định cũng sẽ sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 18/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.

Trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Cụ thể, đến 4 giờ sáng mai, 19/9, ATNĐ mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15-20km/h, tâm bão số 4 ở vị trí 16,4 N-110,3E, cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 340bkm về phía Đông Đông Nam, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa); vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 4 giờ ngày 20-9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h. Tâm bão ở khoảng 17,3N-107,2E; trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa); vùng biển Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có mức độ rủi ro cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

 

Vân Anh - Công Huy

Link nội dung: https://haiphong24h.org/bao-so-4-tien-gan-cac-dia-phuong-gap-rut-trien-khai-phuong-an-ung-pho-a153118.html