|
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ Tám (tháng 10/2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ Chín (tháng 5/2025).
Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) là quy định về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo.
Tại Điều 49 quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo như sau:
- Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động; giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 05 (năm) năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.
- Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.
- Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng dạy học với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Ảnh minh họa: Tạp chí Công dân & Khuyến học. |
So với các dự thảo lấy ý kiến trước đó, dự thảo lần 3 của Luật Nhà giáo đã bổ sung trường hợp giáo viên được nghỉ hưu sớm là giáo viên mầm non và giáo viên trường lớp dành cho trẻ khuyết tật. Thời gian nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi.
Còn giáo viên các cấp học khác, tuổi nghỉ hưu sẽ theo quy định của Bộ luật Lao động (tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035).
Giải thích về việc giáo viên mầm non được giảm tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) so với các nhà giáo khác, Bộ GD&ĐT cho rằng, điều này đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên mầm non.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết đã có dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh điều kiện lao động của giáo viên mầm non nằm trong các chỉ số nghề "nặng nhọc".
Cũng theo Bộ GD&ĐT, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ tri thức theo tinh thần của Nghị quyết số 45, dự thảo Luật quy định việc kéo dài thời gian thời gian làm việc đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục để tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, cho phép cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Cụ thể, theo dự thảo Luật, nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Thời gian kéo dài làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Trong thời gian thực hiện kéo dài thời gian làm việc, nếu nhà giáo có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
Quyết định kéo dài thời gian công tác của nhà giáo được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng.
Chính phủ quy định chi tiết thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thời gian làm việc; chính sách đối với nhà giáo trong thời gian làm việc kéo dài.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://haiphong24h.org/2-truong-hop-giao-vien-co-the-duoc-nghi-huu-som-5-nam-a153141.html