Tiêu thụ nhiều đồ chiên rán, thức ăn nhanh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây ra bệnh béo phì, bệnh tim, tiểu đường. Thế nhưng không nhiều người biết việc dùng quá nhiều đường tinh luyện cũng có thể gây tổn hại không kém đến tim mạch, đường huyết, gan…
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 6 thìa cà phê (tương đương 25g) đường mỗi ngày đối với phụ nữ và 9 thìa cà phê (36g) đường đối với nam giới.
Trong một thống kê và đánh giá về 8.601 nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng việc tiêu thụ nhiều đường có liên quan đến nguy cơ cao mắc 45 vấn đề sức khỏe như tiểu đường, bệnh gút, béo phì, huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, ung thư, hen suyễn, sâu răng, trầm cảm, tử vong sớm…
Đường tinh luyện là loại đường được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, có trong siro, đồ đóng hộp chế biến sẵn, nước sốt, bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực,… không phải đường tự nhiên có trong rau củ quả. Dưới đây là những tác hại khi tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện:
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Theo WebMD, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người dùng nhiều đường tinh luyện có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi so với người hấp thụ ít hơn một nửa lượng đường đó. Lượng đường bổ sung sẽ làm tăng huyết áp hoặc giải phóng nhiều chất béo hơn vào máu. Cả hai đều có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ và các bệnh tim khác.
Việc tiêu thụ quá nhiều đường còn dẫn đến béo phì, tăng nguy cơ viêm nhiễm bệnh nhiễm trùng và làm tăng hàm lượng chất béo trung tính. Những yếu tố này góp phần gây ra các vấn đề về mạch như dây xích động mạch và tăng huyết áp. Một nghiên cứu tại Thụy Điển trên 25.877 người trưởng thành đã cho thấy những người ăn nhiều đường có nguy cơ mắc bệnh tim và biến chứng bệnh mạch vành cao hơn so với nhóm tiêu thụ ít đường.
Tăng nguy cơ tiểu đường
Tiêu thụ nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nguyên nhân là do khi đường vẫn còn trong máu, cơ thể bạn có thể phản ứng bằng cách tạo ra ít hormone insulin hơn, hormone này chuyển hóa thức ăn bạn ăn thành năng lượng.
Đồng thời, nạp nhiều đường trong thời gian dài dẫn đến tình trạng kháng insulin (một loại hormone do tuyến tụy sản xuất để điều chỉnh lượng đường trong máu). Điều này khiến lượng đường trong máu tăng lên và làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường. Một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cũng cho thấy người uống đồ uống có đường (nước ngọt, nước ép trái cây) trong 4 năm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn người uống nước lọc.
Tăng nguy cơ ung thư
Bổ sung quá nhiều đường vào chế độ ăn uống hàng ngày hoặc sử dụng thực phẩm có sẵn chứa nhiều đường có thể gây viêm, căng thẳng và thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh chóng. Những hoạt động này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Theo một đánh giá về thực phẩm và đồ thị có đường, việc tiêu thụ nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư từ 23% đến 200%.
Ảnh hưởng giấc ngủ và gây trầm cảm
Thường xuyên dùng quá nhiều đường trong bữa ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và cảm xúc căng thẳng, gây ra các vấn đề như suy giảm nhận thức, rối loạn cảm xúc, lo âu, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Một nghiên cứu tại Mỹ trên 8.000 người cho thấy, những ai tiêu thụ từ 67g đường trở lên mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm cao hơn 23% so với những người tiêu thụ dưới 40g.
Ăn quá nhiều đường vào ban ngày cũng có thể làm rối loạn lượng đường trong máu và gây ra tình trạng tăng đột biến và sụt giảm năng lượng. Còn tiêu thụ đường buổi tối sẽ khiến thần kinh tỉnh táo hơn, khó đi vào giấc ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ
Hầu hết các loại thực phẩm đóng gói, đồ ăn nhẹ và đồ uống đều được làm ngọt bằng fructose, một loại đường đơn giản có trong trái cây hoặc rau củ như ngô. Gan sẽ chuyển hóa fructose thành chất béo, tích tụ trong gan của bạn, thậm chí dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu, tình trạng sưng tấy và sẹo có thể gây hại cho gan.
Kim Linh