Nơi nằm trong vùng được mệnh danh "lạnh nhất Việt Nam", du khách nhận xét đường đi không hề dễ dàng

Ở nơi "lạnh nhất Việt Nam" có một điểm đến từng được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2013, mang nhiều ý nghĩa và giá trị về mặt tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa của người bản địa.

Là đất nước có khí hậu đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, nên ở Việt Nam vẫn có một số địa phương mang thời tiết giá lạnh, đặc biệt vào mùa đông. Những cái tên về địa điểm như thế có thể kể tới như Sa Pa - Lào Cai hay Hà Giang, Yên Bái, Sơn La... Trong đó, rất nhiều người nghĩ rằng, Sa Pa hay đỉnh Fansipan chính là điểm đến lạnh nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy.

Theo thống kê của Đài khí tượng Thuỷ văn và nhiều đánh giá của các chuyên gia, nơi có mùa đông khắc nghiệt và đang giữ kỷ lục nơi lạnh nhất Việt Nam là đỉnh Mẫu Sơn - Lạng Sơn.

 Đỉnh Mẫu Sơn - Lạng Sơn được xem là nơi "lạnh nhất Việt Nam" (Ảnh Báo Giao Thông).

 

Và cũng nhiều du khách không biết rằng, thuộc dãy Mẫu Sơn hoang sơ, kỳ vĩ, còn có một điểm đến từng được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 2013, mang nhiều ý nghĩa, giá trị về mặt tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa của người bản địa. Đó là khu Linh địa cổ Mẫu Sơn, nằm ở độ cao 1190m so với mặt nước biển.

Khu Linh địa cổ tuổi đời hàng trăm năm

Báo Lạng Sơn giới thiệu, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn hiện nay thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, nằm trên dải đất dài 400m, rộng khoảng 100m. Nếu tính trên dãy Mẫu Sơn, nó nằm ở khu vực sườn phía Đông - Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá, vị trí của khu Linh địa là một vị trí vô cùng đắc địa. Lưng tựa núi Mẹ, mặt hướng ra bồn địa Na Dương - Lộc Bình, phía Tây tiếp giám với núi Cha có mây phủ quanh năm, phía Đông giáp với rừng nguyên sinh trù phú. Hai bên khu Linh địa còn là những khe nước nhỏ, tô điểm thêm cho cảnh vật nơi đây thêm nguyên sơ.

 Khu Linh địa cổ nằm ở sườn phía Đông - Nam dãy Mẫu Sơn (Ảnh Báo Lạng Sơn).

Theo các tài liệu cũng như nghiên cứu của các chuyên gia, khu Linh địa hình thành cách đây hàng thế kỷ, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX, tổng diện tích lên tới 24.400m2. Chủ nhân của khu Linh địa thời kỳ đầu có thể là những người Tày Cổ. Sau này có thêm sự tham gia của người Nùng, người Dao, cùng cư trú và cai quản khu vực.

Sau hàng trăm năm lịch sử, khu vực dần bị mai một và gần như trôi vào lãng quên, các dấu tích về các công trình cũng không còn nhiều, thậm chí bị ẩn giấu sâu dưới những lớp đất trên dãy Mẫu Sơn.

Mãi đến năm 2003, tức là cách đây chỉ hơn 20 năm, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn (nay là Bảo tàng Lạng Sơn) mới tiến hành khai quật và phát hiện ra những dấu tích của của khu Linh địa cổ. Đó là các chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm, những cánh cửa đá hay cả hầm mộ đá. Tất cả những vết tích tìm được cho đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng.

 

 

 

 Một số tàn tích còn lại ở khu Linh địa cổ Mẫu Sơn (Ảnh Báo Lạng Sơn, Thế giới di sản).

Đến năm 2013, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn chính thức được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia. Từ đó, nó mới được biết đến nhiều hơn, thu hút các du khách, những người mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người dân tộc nơi đây.

Trải nghiệm gì khi đến khu Linh địa cổ Mẫu Sơn?

Hành trình chinh phục khu Linh địa cổ vốn không dễ dàng. Du khách nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, sẽ cần di chuyển quãng đường khoảng 30km. Tuy nhiên với địa hình vùng núi nhiều đoạn khúc khuỷu, thời gian di chuyển có thể mất tới hơn 1 giờ, thậm chí gần 2 giờ đồng hồ để tới chân Mẫu Sơn.

Sau đó, du khách cần tiếp tục trekking, leo núi, mất khoảng 3 giờ nữa. Nhiều du khách có kinh nghiệm chia sẻ lại, còn có những đoạn đèo đá dốc, vực núi cao, như để thử thách ý chí con người. Có cả những đoạn phải vượt qua 3 ngọn núi với độ dài khoảng 4km.

 

 Du khách cần trải qua hành trình leo núi, trekking kéo dài 3 giờ đồng hồ để lên tới được khu Linh địa cổ (Ảnh Báo Lạng Sơn).

 Ảnh Báo Lạng Sơn.

Chính vì vậy, trước khi thực hiện hành trình, du khách cần đảm bảo có một sức khỏe, sức bền tốt, dẻo dai để leo núi và đi bộ xuyên những cánh rừng nguyên sinh. Cuối cùng mới có thể tới đích đến là khu Linh địa cổ.

Tới đây, du khách sẽ được tận hưởng thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ nơi dãy Mẫu Sơn, được phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh bên dưới, hay xa xa là suối Long Đầu, núi Phật Chỉ hay những cánh đồng, thửa ruộng của người địa phương...

Như đã nói ở trên, hiện nay tại khu Linh địa cổ còn lại các vết tích bao gồm: Các chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm, những cánh cửa đá, hầm mộ đá. Du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, từ đó tìm hiểu về những câu chuyện tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử và văn hóa của cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng, Dao nơi đây, từ lâu đời.

Nhất là vào những dịp đặc biệt trong năm theo phong tục của người địa phương, như những ngày lễ Tết, lễ hội, du khách còn có thể chứng kiến, tham gia vào các hoạt động cúng bái, các nghi lễ quan trọng.

 Khu vực chính ở khu Linh địa cổ Mẫu Sơn (Ảnh Báo Lạng Sơn).

 

 Thiên nhiên hùng vĩ mà du khách có thể ngắm nhìn từ trên khu Linh địa cổ Mẫu Sơn (Ảnh Báo Lạng Sơn).

 Ảnh Vietgoing

Dù sở hữu tiềm năng lớn, song cho đến nay khu Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn chưa được khai thác hợp lý, từ đó chưa nhiều du khách biết tới. Du khách tới đây chủ yếu là đi theo nhóm tự túc, hoặc được những người bản địa giới thiệu và dẫn đường. 

Hi vọng trong tương lai, điểm đến mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng này ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày, Dao, Nùng ngày ấy, sẽ được biết tới rộng rãi và thu hút nhiều du khách hơn nữa. Nó có thể góp phần thúc đẩy du lịch xứ Lạng, đồng thời gia tăng trải nghiệm cho du khách khi tới "nơi lạnh nhất Việt Nam".

Thu Phương

Link nội dung: https://haiphong24h.org/noi-nam-trong-vung-duoc-menh-danh-lanh-nhat-viet-nam-du-khach-nhan-xet-duong-di-khong-he-de-dang-a153574.html