Dồn sức ứng phó ngập lụt, sạt lở sau bão

Dù bão số 6 đã suy yếu, không gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản nhưng tình trạng mưa lớn kéo dài đang gây lo ngại về khả năng xuất hiện lũ lớn

Chiều 27-10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình thông tin khu vực tỉnh này có mưa to và rất to, mực nước trên các sông lớn đang lên nhanh.

Nỗi lo lũ lớn, sạt lở

Mưa lớn kéo dài trong ngày khiến nhiều ngầm, tràn qua sông, suối huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngập sâu 0,3-1,2 m, gây ách tắc, chia cắt cục bộ một số thôn, bản. Đến nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn an toàn.

Kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 và tình hình mưa lũ tại huyện miền núi Hướng Hóa, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, yêu cầu sau khi bão đi qua, cần tập trung huy động các nguồn lực để ứng phó với mưa lũ. Cụ thể, quan tâm ứng phó sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra trên địa bàn; cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực nguy hiểm; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, nhất là các khu dân cư ven sông, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở. Về lâu dài, cần rà soát lại các vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng bản đồ, lên phương án ứng phó kịp thời và hiệu quả.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão số 6 và mưa lũ tại huyện miền núi Hướng Hóa. Ảnh: Đức Nghĩa

Tại nhiều địa phương ở Quảng Bình, mưa lớn làm mực nước nhiều con sông, suối dâng cao cộng thêm lượng nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều địa phương vùng hạ lưu đối mặt với tình trạng ngập lụt. Mực nước trên lưu vực sông Kiến Giang đang lên nhanh và ở mức trên báo động 2, sông Gianh trên mức báo động 3. Dự báo mực nước trên 2 con sông này lên nhanh, gây nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt tại các các vùng hạ lưu và khu vực đô thị.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh đang tập trung cao độ, chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ động di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Tại Quảng Nam, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã xuất hiện trình trạng sụt lún, nứt gãy nền nhà, tường nhà bất thường. Quả đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ (thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) cũng xuất hiện vết nứt có độ sâu khoảng 1 m, chiều dài khoảng 30 m, dạng vòng cung với bán kính 10 m; ước khối lượng đất có nguy cơ sạt lở trên 100 m3. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 30 hộ dân với hơn 160 nhân khẩu.

Ông Hồ Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi - cho hay núi Tà Cút (thôn Băng) có nhiều vết nứt sâu tạo rãnh nên mỗi khi mưa lớn, nước từ đỉnh núi chảy xiết, cuốn theo đất, đá đổ về chân núi, đe dọa trực tiếp tính mạng và nhà cửa của 6 hộ dân với 23 nhân khẩu. Tại thôn Nguyên cũng có tình trạng núi cũng bị nứt từ nhiều năm nay.

"Địa phương sẵn sàng tổ chức di dời khẩn cấp 20 hộ dân với 83 nhân khẩu trong vùng nguy hiểm đến các điểm trường tiểu học của thôn Băng và thôn Nguyên. Đồng thời, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa bão, sạt lở để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra" - ông Trường khẳng định.

Công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, bão số 6 làm cho sóng biển nhiều nơi dâng cao khiến một số khu vực bị ngập. Sóng biển lớn và kéo dài đã khiến đoạn đường ở bãi tắm biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nối với đường bãi tắm phường Thuận An, TP Huế bị sạt lở. Sóng biển đã làm cho nền đường vỡ thành từng mảng, bị cuốn sâu vào bên trong.

Đây là đoạn bờ biển chưa có kè chống sạt lở. Trước đó, các đợt thiên tai liên tiếp trong tháng 9 và 10-2024 đã gây sạt lở đoạn bờ biển dài khoảng 1 km, ăn sâu vào đất liền 70 - 100 m.

 Sạt lở bờ biển ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Quang Tám

Trong đó, đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300 m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An, làm phá hỏng vỉa hè, đổ ngã cây dương ven đường khu vực bãi tắm. Phạm vi sạt lở đang tiếp tục phát triển nhanh, mở rộng chiều dài và ăn sâu vào đất liền, đe dọa cuốn trôi tuyến đường nội bộ bãi tắm và có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng các cơ sở kinh doanh.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, TP Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, UBND TP Huế khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.

Lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ được huy động trong những ngày qua dùng 2.500 m vải lọc và 600 m3 đá hộc để thực hiện biện pháp chống sạt lở khẩn cấp tại đây, nhưng sóng biển vào sáng 27-10 vẫn làm cho biển xâm thực nặng nề hơn.

Trong khi đó, Công ty CP Thủy điện Miền Trung, chủ đầu tư công trình thủy điện A Lưới, cho biết đã có thông báo gửi các địa phương, sở, ngành; Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông - Lào, Huyện trưởng huyện Ka Lừm - Lào về việc điều chỉnh lưu lượng điều tiết hồ chứa thủy điện A Lưới. Theo đó, do diễn biến của tình hình thời tiết, hồ thủy điện A Lưới điều chỉnh lưu lượng điều tiết tăng dần và dự kiến có thể đến 1.500 m3/giây. Thời gian tăng dần lưu lượng bắt đầu từ 11 giờ ngày 27-10. 

Bão số 6 gây nhiều thiệt hại

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến chiều 27-10, trên địa bàn tỉnh có 2 người bị thương nhập viện trong quá trình chằng chống bão. Tại xã Lăng và xã Gari, huyện Tây Giang có 6 nhà bị tốc mái; tại xã Phước Thành và Phước Hòa, huyện Phước Sơn có 7 nhà bị tốc mái do ảnh hưởng của lốc xoáy.

Lãnh đạo UBND xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã tìm thấy thi thể của một người đàn ông bị nước cuốn khi cố đi qua đoạn đường ngập ở xã này. Trong khi đó, thi thể ông L.P.T. (SN 1980; trú xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) cũng đã được lực lượng chức năng tìm thấy tại một khu đầm gần nhà nạn nhân, khi bị nước cuốn trôi.

Bão Trà Mi đã làm 214 nhà dân, nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, trường học ở Thừa Thiên - Huế bị tốc mái. Hiện nay, các hồ thủy lợi, thủy điện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vận hành an toàn, tham gia cắt giảm lũ cho hạ du.

Tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có 4 quán ở bãi tắm bị sập, đổ hoàn toàn; đoạn kè bờ biển đang thi công bị sạt lở nghiêm trọng. Bão số 6 còn gây đổ nhiều cây xanh, cột điện cao thế, gần 18.000 khách hàng ở huyện Vĩnh Linh bị mất điện.

Tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, nước mưa từ thượng nguồn xuống gây ngập khoảng hơn 100 hộ dân ở thôn Trường Định và thôn Quan Nam 6. Nước ngập vào nhà dân khoảng từ 0,5 đến hơn 1 m...

 

Cảnh báo mưa lớn, đe dọa lũ quét

Chiều 27-10, sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo từ nay đến 29-10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa 150-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (trên 100 mm/3 giờ). Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150 mm, có nơi trên 200 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét ở nhiều tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum.

V.Duẩn

 

Nhóm Phóng viên Miền Trung

Link nội dung: https://haiphong24h.org/don-suc-ung-pho-ngap-lut-sat-lo-sau-bao-a154047.html