|
Làng nghề hoa cây cảnh huyện An Dương hiện là một trong số ít làng nghề truyền thống tại thành phố Hải Phòng còn duy trì, tồn tại đến ngày hôm nay. Nơi đây được mệnh danh là thủ phủ đào phai cổ thụ lớn nhất cả nước, với diện tích trồng lên đến 365ha, trong đó trồng tập trung nhiều nhất tại 2 xã Đặng Cương và Đồng Thái.
Hàng vạn cây đào phai cổ thụ tại làng hoa cây cảnh của huyện An Dương (TP Hải Phòng) chết khô ngoài đồng do bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 vừa qua. |
Vụ đào Tết 2025 cận kề, các nhà vườn tại huyện An Dương chuẩn bị cho thời điểm vặt lá, đảo vùng thì bất ngờ bão số 3 - cơn bão lịch sử 60 có một lần với sức gió giật lên đến cấp 16-17 kèm theo mưa lớn đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng. Các cánh đồng trồng đào của người dân xã: Đặng Cương, Đồng Thái, Quốc Tuấn, Lê Lợi và thị trấn An Dương của huyện này bị nhấn chìm trong biển nước.
Ông Phạm Đức Kiên, thôn Tự Lập, xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP Hải Phòng) cuốc, nhổ bỏ cả vườn đào phai cổ thụ bị chết lụt. |
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương, cơn bão số 3 đã tàn phá hơn 70% diện tích trồng đào Tết của địa phương, gây thiệt hại về kinh tế gần 400 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trồng đào lao đao, thậm chí trắng tay…
Có mặt trên cánh đồng trồng đào phai của người dân xã Đặng Cương trong những ngày đầu tháng 11/2024, PV không khỏi xót xa bởi hàng vạn cây đào các loại, từ đào liền thân cho đến đào ghép cổ thụ đã bị chết nỏ. Nhiều cây cầm cự đến ngày hôm nay tưởng chừng sống sót nhưng đang có dấu hiệu chết bởi lá héo, vàng.
Đào chết lụt được người dân huyện An Dương (TP Hải Phòng) chặt, đánh đống tại các đầu bờ ruộng |
Cánh đồng hoa đào thôn Hòa Nhất rộng hàng chục ha gần như bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn lác đác vài luống đào nhưng cây nào cây nấy gần như không còn nguyên vẹn. Tại đây, một số chủ vườn lầm lũi chặt, đào bỏ các cây đào chết, gom đốt để cải tạo đất trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, bí, rau xanh…mưu sinh.
Ông Phạm Năng Sơn ở thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP Hải Phòng) xót xa trồng ngô trên thửa ruộng trồng đào phai cổ thụ trị giá 700 triệu đồng bị chết do bão số 3. |
Đang xới đất vun trồng cho luống ngô non, ông Phạm Năng Sơn ở thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương chia sẻ, gia đình ông trồng 150 gốc đào phai ghép đón Tết 2025 nhưng bị trận mưa bão số 3 quét sạch, không một cây nào sống sót; thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.
“Mưa quá lớn, các cánh đồng trồng đào bị nhấn chìm trong nước kéo dài gần 1 tuần. Nước rút, đào bị thối rễ, chết hàng loạt!.”, ông Sơn nói và cho hay hộ trồng đào bị thiệt hại lớn nhất với số tiền lên đến hàng tỷ đồng phải kể đến các hộ ông Linh, ông Khang…Đây là các hộ trồng đào phải cổ thụ với số lượng lớn. Chỉ tính giá nhập gốc đào từ các tỉnh Tây Bắc đưa về tùy theo độ tuổi, vanh gốc to nhỏ và dáng thế, các chủ vườn chi ra từ 1- 4 triệu đồng/ gốc, thậm chí có gốc đẹp giá lên đến cả chục triệu đồng.
Cả vườn đào Tết chết sạch, bà Nguyễn Thị Mơ, xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP Hải Phòng) không còn khả năng phục hồi lại vườn đào vì không có vốn, tranh thủ trồng rau xanh bán mưu sinh. |
“May mắn” hơn hộ ông Sơn, hộ trồng đào Phạm Đức Kiên, thôn Tự Lập, xã Đặng Cương trồng 160 gốc còn sống sót 20 gốc. Ông Kiên cho biết, số đào bị chết trị giá khoảng 300 triệu đồng; 20 gốc đào còn sống nhưng chất lượng kém bởi cành, tán bị bão bẻ gãy một phần.
Ông Kiên mong muốn ngân hàng tạo điều kiện cho những hộ trồng hoa cây cảnh của huyện An Dương bị thiệt hại do bão được vay vốn với lãi suất ưu đãi để nhập phôi giống về tái sản xuất.
Xót xa những cây đào phai ghép gốc đào cổ thụ trị giá hàng chục triệu đồng chết khô trên cánh đồng trồng đào thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP Hải Phòng) |
Chưa biết xoay sở thể nào cho những ngày tháng cuối năm, trong khi niềm hy vọng và sự trông chờ vào vườn đào với số lượng 300 cây (50 cây đào ghép cổ thụ, 250 cây đào liền thân) được trồng tại cánh đồng Đống Phó bán Tết 2025 tắt ngấm, bà Nguyễn Thị Mơ (xã Đặng Cương) những ngày này cặm cụi bám đồng ruộng, trồng rau bán. Bà Mơ cho biết, toàn bộ số đào Tết bị lụt trong trận bão số 3 chết hết, khiến gia đình mất trắng khoảng 300 triệu đồng.
Cánh đồng đào Đống Phó, xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP.Hải Phòng) chết quá nửa và nhiều cây đào sau nhiều ngày cầm cự cũng đang bắt đầu có dấu hiệu chết. |
Thông tin với PV Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết, xã Đặng Cương nổi tiếng về nghề trồng hoa cây cảnh đặc biệt là giống đào phai ghép cổ thụ. Vụ đào Tết 2025, cả xã có tổng cộng gần 100ha nhưng sau bão số 3 gần 60% diện tích đào bị chết lụt, ước tính thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng. Theo ông Anh, nhiều hộ dân trồng đào bị thiệt hại nặng, rất khó để tự phục hồi lại diện tích cây trồng như trước bão nếu không có sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
Màu xanh của những khóm bí đỏ được người dân trồng trên những ruộng đào chết nằm ngổn ngang tại xã Đặng Cương, huyện An Dương (TP.Hải Phòng) |
Tối 8/11, Phó chủ tịch UBND huyện An Dương Nguyễn Văn Cường cho biết, các phòng ban chức năng của huyện đang rà soát lại danh sách các hộ dân trồng hoa cây cảnh bị thiệt hại do bão số 3 trước khi tiến hành chi trả tiền hỗ trợ của nhà nước. Tiền hỗ trợ được thành phố Hải Phòng và huyện An Dương thực hiện theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ ban hành về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Theo UBND huyện An Dương cung cấp
Giang Chinh
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-phong-thu-phu-dao-phai-co-thu-chet-hang-loat-nguoi-dan-nguy-co-mat-tet-a154285.html