Năm 2024 tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của Hải Phòng đạt 190 triệu tấn.
Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố này ước đạt 10,55%, trở thành địa phương 10 năm liên tục có tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Năm 2025, Hải Phòng tiếp tục đặt mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng cao ở mức 2 con số để hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I, sớm đưa Hải Phòng trở thành đô thị loại đặc biệt.
16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra
Theo đó, năm 2024, Hải Phòng có 16/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch HĐND thành phố đề ra. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đạt 10,55%, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 108.217 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 210.000 tỷ đồng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 190 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 33,25 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư FDI đạt 3,35 tỷ USD.
UBND TP. Hải Phòng cho rằng tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu từ HĐND thành phố đề ra (từ 11,5- 12%) do nền kinh tế thành phố bị thiệt hại nặng nề bởi siêu Yagi (bão số 3). Trận bão làm nền kinh tế Hải Phòng bị thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GRDP, khiến cho tốc độ tăng trưởng chỉ còn ở mức 10,55% so với năm 2023.
Mặc dù chưa đạt kế hoạch mà HĐND thành phố đề ra nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP này vẫn cao hơn khoảng 1,48 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Với tốc độ tăng trưởng GRDP 10 năm liên tục ở mức 2 con số cho thấy kinh tế Hải Phòng phát triển bền vững giữ vai trò động lực tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng.
Về cơ cấu, lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ tăng 0,32% so với cùng kỳ, lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng đạt 8,2%, lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, ước đạt khoảng 13,31%.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến đầu tư cũng như khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ mà hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư FDI của Hải Phòng năm 2024 đạt được những kết quả ấn tượng.
Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 33,25 tỷ USD (tăng 9,5% so với năm 2023), trong đó, xuất siêu ước đạt 7,78 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 25,48 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư FDI ước đạt 3,35 tỷ USD (tăng tới 92,35% so với năm trước), nhờ các dự án đầu tư FDI chất lượng cao mà Hải Phòng thêm năng lực để hấp thụ và giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, năm 2024, tổng thu ngân sách của Hải Phòng ước đạt 108.217 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, đạt 101,3% kế hoạch HĐND thành phố giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 60.000 tỷ đồng, thu nội địa ước đạt 47.100 tỷ đồng (vượt kế hoạch HĐND thành phố giao 1.456 tỷ đồng).
Mở rộng không gian kinh tế với 3 trụ cột
Năm 2024, Hải Phòng đứng thứ 5 toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phát triển thương mại điện tử. Hải Phòng cũng thúc đẩy nhanh tiến độ dự án khu vui chơi giải trí nhà ở và công viên sinh thái Vũ Yên, dự án tổ hợp trung tâm thương mại vui chơi giải trí khách sạn 5 sao khu vực chợ Sắt và dự án trung tâm hội nghị thương mại và dịch vụ quốc tế Hải Phòng.
Cùng với các khu công nghiệp hiện hữu, năm 2024, Hải Phòng đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.660 ha. Đồng thời, thành lập thêm 4 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập lên thành 17 cụm với tổng diện tích quy hoạch 683,75 ha.
Năm 2024, các bến cảng số 3, 4, 5, 6, 7, 8 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã bước vào giai đoạn hoàn thành đầu tư, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Các bến 9, 10, 11, 12 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư để trình cấp có thẩm quyến chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.
Hải Phòng cũng phối hợp cùng Cục Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) hoàn thành việc lập báo cáo quy hoạch, thỏa thuận hướng tuyến, vị trí các ga của dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Dự án bến khởi động Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn đã được Hải Phòng nghiên cứu, đề xuất triển khai đầu tư xây dựng.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các dự án như khu du lịch dịch vụ trung tâm Vịnh trung tâm Cát Bà, dự án sân golf Xuân Đám, khu bến tàu và các công trình phục vụ du lịch tại khu vực Cái Bèo, khu đô thị du lịch và dịch vụ khoáng nóng tại xã Xuân Đám (đảo Cát Bà) cũng được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Hải Phòng cũng đang phối hợp cùng các bộ ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các cơ sở nhà đất thuộc các bộ ngành đang quản lý tại Khu du lịch Đồ Sơn (quận Đồ Sơn) về cho thành phố quản lý, phát triển hạ tầng du lịch.
Theo UBND TP. Hải Phòng, nhờ hệ thống giao thông được mở rộng đồng bộ hiện đại, phát triển hạ tầng nông thôn và đầu tư mở rộng các khu cụm công nghiệp mà không gian kinh tế Hải Phòng được mở rộng, là cơ sở vững chắc để thành phố cảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế trên 3 trụ cột công nghiêp – công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.
Hướng tới mục tiêu trở thành đô thị đặc biệt
Theo Nghị quyết số 1232/NQ- UBNTQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023- 2025, từ đầu năm 2025, các huyện An Dương và Thủy Nguyên sẽ được trở thành khu vực đô thị.
Tuy nhiên, theo quyết định số 488/TTg-CN ngày 10/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại thành phố Hải Phòng, chỉ có huyện An Dương cùng 7 quận nội thành được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I. Đô thị Thủy Nguyên chỉ được công nhận là đô thị loại III.
Các dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm đang được hoàn thành để năm 2025 Hải Phòng dời đô sang thành phố Thủy Nguyên.
Do đó, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đưa đô thị Hải Phòng đạt tiêu chí đô thị loại I, từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị đặc biệt có vị trí, vai trò, chức năng, trình độ phát triển là trung tâm cấp vùng về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, du lịch…
Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng dự kiến sẽ tiếp tục định hướng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, nền kinh tế phát triển dựa trên 3 trụ cột công nghiệp – công nghệ cao, cảng biển – logisitcs, du lịch – thương mại. Đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Nam Khánh
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nam-thu-10-tang-truong-muc-2-con-so-hai-phong-muon-vuon-minh-thanh-do-thi-dac-biet-a154473.html