Trẻ sơ sinh nguy kịch do được 'mụ vườn' cắt rốn bằng dao lam
Một bé trai 12 ngày tuổi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch do nhiễm trùng, hậu quả của việc đỡ đẻ tại nhà, cắt rốn bằng dao lam.
Chiều 14.2, bác sĩ (BS) Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và sơ sinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cho biết bé sơ sinh 12 ngày tuổi bị nhiễm trùng uốn ván vẫn đang được điều trị tích cực tại khoa.
BS Tuấn cho biết thêm, bé trai này sinh ngày 2.2.2017, là con đầu lòng của vợ chồng chị H’Ngọc Byă (19 tuổi) và anh Y Gô Niê (21 tuổi, trú thôn Yang Reh, xã Yang Réh, H.Krông Bông, Đắk Lắk).
Chị H’Ngọc sinh thường tại nhà; giấy chứng sinh do trạm y tế xã cấp ghi người đỡ đẻ là “mụ vườn”. Bé sơ sinh được cắt rốn bằng dao lam.
Theo hồ sơ, sau khi sinh 5 ngày, cháu có biểu hiện sốt cao liên tục, bỏ bú, rốn bị ướt, co giật nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa H.Krông Bông, sau đó chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk rạng sáng ngày 8.2.
“Lúc đưa vào Khoa hồi sức cấp cứu nhi và sơ sinh, bé trai gồng cứng, co giật toàn thân, sốt đến 39,8 độ; trương lực cơ toàn thân, phản xạ kém; xét nghiệm bạch cầu tăng mạnh. Các bác sĩ đã tập trung cứu chữa, hồi sức tích cực cho bé, cho bé thở máy, truyền dịch, phối hợp điều trị kháng sinh, chống co giật…”, BS Tuấn nói.
Đến hôm nay (14.2), cháu bé vẫn trong tình trạng thở máy; rốn đã khô, tăng trương lực cơ toàn thân khi có kích thích, tăng tiết đờm dãi…
Theo BS Tuấn, chẩn đoán cháu bé suy hô hấp độ 4, uốn ván rốn, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da do nhiễm trùng. “Cháu bé này nằm trong trường hợp bệnh nặng do thời gian ủ bệnh ngắn (dưới 7 ngày). Ngoài điều trị, chúng tôi hạn chế kích thích đến bé như tránh ánh sáng, tiếng ồn để bé giảm phản ứng co giật”, BS Tuấn nói.
BS Tuấn cũng cho biết việc sinh tại nhà có nhiều nguy cơ nhiễm trùng do người đỡ đẻ và dụng cụ đỡ đẻ thiếu vệ sinh. Những năm gần đây, mỗi năm Khoa hồi sức cấp cứu nhi và sơ sinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận điều trị khoảng 10 trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm trùng ở các xã vùng sâu của Đắk Lắk và một số huyện của Đắk Nông.
Khoảng một nửa số ca đến bệnh viện khi bệnh quá nặng, không thể cứu sống; những ca điều trị thành công phải nằm viện từ 30 - 50 ngày.