Những câu chuyện xúc động và đẹp đẽ nhất năm 2016 hy vọng sẽ tiếp nối trong năm mới
Em bé Lào Cai suy dinh dưỡng lột xác thần kỳ sau nửa năm được nhận nuôi, thầy giáo ung thư dạy cái chữ cho trẻ em nơi biển đảo... mỗi câu chuyện là một trang viết nhân văn, đẹp đẽ, khiến ta thêm tin yêu cuộc đời.
Câu chuyện đẹp nhất năm 2016
Trong số rất nhiều sự kiện đời sống nổi bật trong năm vừa qua, khoảng giữa 2016 có một bé gái đã xuất hiện giữa đời thường mang theo câu chuyện cảm động từ chính thân thể em, khiến cả triệu người phải bật khóc. Đó là cô bé đáng thương Thào Thị Yến Nhi ở đội 4, thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, suy dinh dưỡng nặng, 14 tháng tuổi mà chỉ được 3,5 kg.
Vì hoàn cảnh gia đình nên Yến Nhi chịu nhiều thiệt thòi, không phát triển được như những đứa trẻ bình thường khác. Mẹ mất tích, bố thì nghèo, ít hiểu biết, ngày ngày chỉ biết bế con đi xin sữa hoặc chắt nước cơm cho con, đến mức cô bé chỉ còn da bọc xương. May mắn có người phát hiện ra tình trạng của bé, nên đã giúp đỡ bố bé đưa xuống Hà Nội cứu chữa kịp thời. Những ngày đầu khi xuống Hà Nội, bé Yến Nhi ốm yếu, gầy còm, được xác định suy dinh dưỡng nặng trên nền bại não thể co cứng khiến chân tay không cử động được.
Với sự giúp đỡ tích cực của các bác sĩ và nhiều nhà hảo tâm, Yến Nhi đã hồi sinh như một phép màu. Thế nhưng, điều kỳ diệu thực sự nằm ở phía sau, khi Nhi mới vào viện được mấy ngày, thì một cô gái trẻ xinh xắn, trắng ngần cùng nụ cười thân thiện đã xuất hiện, và nhận Nhi làm con nuôi. Phạm Thanh Tâm – người mẹ mới của Yến Nhi đã thay đổi cuộc đời cô bé bằng tấm lòng yêu thương nhân hậu, khiến bao người cảm phục, kính nể và biết ơn. Hành động đẹp của cô gái Lào Cai đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho công chúng và tôn vinh như một chuyện tử tế.
Nói về những lời khen của mọi người, cô gái 25 tuổi cho biết: "Ví mình giống như thiên thần, thật sự mình không dám nhận. Vì đã là con người, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Nếu chúng ta vội vui mừng với những lời khen thì e rằng đến lúc bị chê sẽ rất hụt hẫng".
Thanh Tâm tiết lộ, cô đã ăn chay từ ngày 28/6/2013. Ba năm sau, lần đầu tiên cô nhìn thấy bé Yến Nhi cũng vào ngày này - 28/6, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên của "hai mẹ con", và là nhân duyên trong trái tim Thanh Tâm. Cô từng đi từ thiện rất nhiều nhưng chưa gặp trường hợp nào như Yến Nhi. Và có lẽ cũng chưa ai gặp cảnh như vậy, xót xa đến quặn lòng.
Thấm thoắt cũng đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày Yến Nhi trở về từ cõi chết. Bước sang năm mới, người người nhà nhà hân hoan, và tổ ấm mới của bé Nhi cũng ngập tràn yêu thương hạnh phúc. Hai mẹ con Nhi đã cùng nhau đi rất nhiều nơi, từ Nam ra Bắc, vừa đi du lịch, vừa để chữa bệnh, cho bé làm quen với nhiều thứ xung quanh hơn, hoạt bát, nhận thức tốt hơn, và tới đâu hai mẹ con cũng chụp ảnh kỉ niệm. Bỗng dưng Yến Nhi có thêm một người mẹ, còn Thanh Tâm lại làm được một điều thiện cho cuộc đời. Số phận đã đưa hai người đến với nhau, để cùng nhau khởi đầu những chặng đường mới.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ phía mẹ nuôi của Nhi là lời cầu cứu trong nước mắt, bởi cô bé con tội nghiệp vẫn đang phải chịu di chứng từ những tháng ngày đói khát: BS chẩn đoán Nhi bị teo não, tổn thương não, hộp sọ nhỏ... Lại một lần nữa bao người nghẹn ngào, muốn đến bên hình hài bé nhỏ để giúp đỡ, nhưng mẹ nuôi Yến Nhi đã rất can đảm, đối diện sự thật và quyết định cứu chữa cho bé đến cùng, cho dù hi vọng chữa lành rất mong manh. Biết bao khó khăn xảy đến trong quá trình phục hồi sức khỏe cho Yến Nhi, nhưng Thanh Tâm chưa bao giờ bỏ cuộc, hay kêu than, tình yêu mỗi ngày của người mẹ trẻ luôn vây quanh Yến Nhi, khiến người ta chỉ cảm nhận được rằng, dường như chính Tâm mới là mẹ đẻ của cô bé.
Hàng chục ngàn người vẫn dõi theo facebook của Thanh Tâm mỗi ngày để mong được nhìn thấy Yến Nhi khỏe mạnh hơn, lớn nhanh hơn, nhưng người mẹ trẻ muốn con gái được trưởng thành trong bình yên, nên ít khi đăng tải hình ảnh của cô bé. "Yến Nhi xấu xí gầy nhom của mẹ nay đã biến thành cô bé 16 tháng kiêu kì biết hờn biết khóc, biết đòi ăn. Mẹ xem con sẽ biết làm những gì ở những tháng ngày tiếp theo con nhé".Cảm ơn cuộc đời vì có những người bao dung nhân ái như Thanh Tâm.
Lớp học 0 đồng giữa biển khơi của thầy giáo ung thư máu
Cách đây vài ngày, cả công chúng lẫn giới truyền thông đều quan tâm chú ý đến một giải thưởng lớn mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc - giải thưởng Wechoice Awards do báo Trí Thức Trẻ thực hiện. Nhờ giải thưởng này, hàng triệu người Việt Nam đã lặng lẽ khóc, lặng lẽ chia sẻ câu chuyện vô cùng cao đẹp về một người đàn ông tình nguyện ra đảo xa đem cái chữ cho lũ trẻ.
Đó là thượng úy Trần Bình Phục (1972) sinh ra tại Trà Vinh, hiện anh đang công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Năm 2008, một lần bị chấn thương, anh Phục được đưa vào viện chữa trị, tại đây bác sĩ đã phát hiện anh bị ung thư máu do làm việc trong môi trường nhiễm phóng xạ. Nhờ tuân thủ theo liệu pháp điều trị, sau một năm các tế bào ung thư đã ngăn chặn phát triển. Anh Phục được xuất viện, nhưng ngay sau đó anh đã có cái nhìn khác đi về chân lý cuộc sống.
Anh tâm sự: "Tôi quyết định viết đơn xin ra đảo Hòn Chuối để công tác, vì trước đây đã từng có dịp ghé đảo. Khi tiếp xúc với những đứa trẻ hồn nhiên nơi đây, tôi cảm nhận được sự bình yên từ chúng". Nơi đảo xa, không đường, không điện, không nước sạch, thế nên quyết định của anh Phục bị gia đình và cơ quan ngăn cản. 5 lần nộp đơn đều bị thủ trưởng từ chối. Không nản chí, anh viết lá đơn thứ 6 và cuối cùng cũng được chấp nhận.
Tại đảo Hòn Chuối, anh Phục xin ban chỉ huy cho phép mở một lớp học tình thương để dạy cho lũ trẻ con chữ. Vì theo anh chỉ có học mới giúp chúng thay đổi tương lai của mình, nhưng việc thuyết phục phụ huynh cho con em đi học gặp nhiều khó khăn. Có lần anh Phục bị người dân xua đuổi, nặng lời, nhưng anh vẫn kiên nhẫn. Rồi đến lũ nhóc trứng gà trứng vịt, quen sống tự do với biển nước, lớn lên như cây cỏ hoang, việc học với chúng thật lạ lẫm và cực hình.
Lớp học ban đầu chỉ có 5 em nhỏ theo học, thầy phải chia thời gian dạy một lúc 5 lớp. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, trò phải ngồi học trên những chiếc bàn ghế nhựa cũ mèm. Lớp học được dựng tạm bằng mấy thang gỗ và vài miếng tôn cũ. Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy như chuột chạy đồng vì mưa dột. Khó khăn là thế nhưng thầy trò vẫn cùng nhau vượt qua, dần dần lớp có thêm nhiều bạn mới, đến nay đã có 22 em theo học. Đều đặn mỗi buổi thầy Phục đi xuống gành đón học trò, đếm đủ số lượng rồi anh dắt các em leo lên 303 bậc thang để tới lớp học…
Thầy giáo ung thư có tấm lòng như biển khơi ấy luôn đau đáu một điều, và anh đã đánh đổi bao mồ hôi và cả máu để thực hiện được tâm nguyện ấy: "Con người ta khổ nhất không phải là đói ăn, đói mặc mà là đói tri thức. Bọn trẻ ở đây chúng đói tất cả". Có mấy ai hi sinh tất cả để tìm về nơi mà nhiều người còn muốn bỏ đi như thầy Phục? Rồi từ cái nơi "khỉ ho cò gáy" ấy, thầy vun trồng cả một rừng cây xanh biếc cho tương lai…
2 anh em câm điếc nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu xanh
Trong khu xóm nghèo đường Cô Giang, giữa long Sài Gòn hoa lệ, có một ngôi nhà tí xíu với 2 đứa bé xinh xinh. Chúng là 2 anh em ruột, thằng anh Lương Ngọc Bảo 7 tuổi, còn em gái là Lương Ngọc Thùy An 4 tuổi rồi. Tên của chúng đẹp, nụ cười cũng đẹp, và cái đẹp hơn là cả 2 anh em đều sở hữu đôi mắt xanh biếc như thần thoại Hy Lạp. Người ta nghĩ chúng có đôi mắt mà bao người ao ước, nhưng sự thật thì chúng bị nhiều người sợ hãi lánh xa vì món quà trời ban ấy. Cũng chính vì đôi mắt xanh màu biển mà chúng bị bố mẹ bỏ rơi, để lại cho bà ngoại nuôi.
Bà Tâm là ngoại của 2 anh em Bảo. "Vợ chồng tôi có 3 người con gái, người con đầu sinh ra cả hai mắt đều màu đen bình thường, người con thứ hai (mẹ của hai bé) có một mắt màu đen và một mắt màu xanh nhưng vẫn có khả năng nghe nói bình thường. Đến người con út thì cả hai mắt đều là một màu xanh và nó mắc chứng câm điếc bẩm sinh". Kỳ lạ là, cả bà và chồng đều không ai có màu mắt xanh như thế.
Ngày Bảo ra đời, cả gia đình vỡ òa niềm vui, nhưng khi em mở mắt, cả bố mẹ và ông bà đều rất ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi. Tuy vậy, họ vẫn yêu thương và nuôi nấng Bảo như một đứa trẻ bình thường. Khi Ngọc Bảo lên 1 tuổi, có một lần thằng bé đang ngủ, bà Tâm vô tình làm rớt chiếc xoong xuống đất và phát ra tiếng động lớn, nhưng Bảo không hề thức giấc.
Cả nhà bắt đầu cảm thấy điều kỳ lạ và linh tính chẳng lành nên đưa bé đi khám. Rồi họ đau đớn khi phát hiện bé đã bị câm điếc bẩm sinh. Ba năm sau Thùy An ra đời, mẹ An lần này còn hoảng sợ hơn khi thấy con bé cũng có đôi mắt giống hệt như anh trai. Chị khóc, đòi vứt con cho người khác nuôi. Kể từ đó đôi mắt xanh như một điềm báo xấu của gia đình lũ trẻ, đến lượt chúng, là oan nghiệt nhất.
Cho đến một ngày, câu chuyện của hai đứa trẻ đến tai vị BS trẻ Phạm Đình Nguyên, chuyên khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1 (TP. HCM). Chẳng chút chần chừ, chàng trai ấy quả quyết sẽ mang lại âm thanh cho hai đứa trẻ: "Anh hứa, anh làm được". Chuỗi ngày xét nghiệm gen và kiểm tra thính lực cho Ngọc Bảo và Thùy An gặp rất nhiều khó khăn, từ sự chống cự hồn nhiên của hai đứa trẻ đến sự lo sợ của chính gia đình. Và còn một vấn đề khác lớn hơn rất nhiều: Lấy tiền đâu mua máy trợ thính cho hai anh em mắt xanh? Bằng sự tâm huyết, vị BS ấy huy động tất cả nguồn lực lẫn mối quan hệ cá nhân, để chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng, từ 2 triệu, anh tìm được số tiền hơn 50 triệu đồng. Chưa đủ để mua máy cho cả 2 anh em Bảo - An, BS. Nguyên đã kiên trì chờ đợi,và may mắn sao, một trung tâm trợ thính ở Sài Gòn đã đồng ý đài thọ toàn bộ số tiền thiếu hụt còn lại cho hai cặp máy trợ thính tặng 2 bé.
Khoảnh khắc 2 bé nghe được những thanh âm đầu tiên của cuộc sống xung quanh mình cũng là khoảnh khắc BS. Nguyên, bà ngoại, bác xe ôm hàng xóm tốt bụng bật khóc vì hạnh phúc, vì cảm tạ trời đã giúp lũ trẻ thoát khỏi thế giới câm lặng buồn tẻ, đầy thiệt thòi. Tuy chúng vẫn không nói được, nhưng chỉ cần nghe thôi, chúng cũng có thể biểu đạt cảm xúc, lòng biết ơn đến những người yêu thương ở bên bằng 2 vòng tay bé xíu.
Chúng ta cứ mải mê chạy theo những dòng tin tức nóng hổi, hóng "biến", bóc phốt, tạo thành một xu hướng mới bây giờ là "tin mì ăn liền". Báo chí truyền thông không còn là kênh duy nhất để tiếp cận với tin tức mới như trước nữa, giờ chỉ nằm nhà on facebook thôi cả thế giới nằm trong tay, chuyện nhỏ như sợi lông tơ trên mũi, tin đánh ghen tận châu Phi cũng nhanh chóng được chị em cập nhật chỉ trong cái búng tay. Các mẹ bỉm thích nghe những chuyện hotgirl, ăn uống, chăm con, đánh ghen, để bàn tán với nhau trên mạng xã hội, ở cơ quan, và bất kỳ chỗ nào họ ngồi với nhau. Tuy nhiên, "hóng" biến không phải là tất cả, bên cạnh mấy tin giải trí tinh thần ấy, thì chị em cũng thể hiện sự mong manh dễ vỡ của phái đẹp trước những câu chuyện cảm động giữa đời thường. Ví dụ như hồi mới hay tin về bé Yến Nhi, hàng trăm mẹ bỉm đã lặn lội từ tỉnh xa, rồi xin nghỉ làm ở cơ quan chỉ để chạy đến viện cho bé bú sữa vài phút. Nó không phải là điều gì quá ghê gớm, chỉ là hành động nhỏ thôi, nhưng đủ để ta cảm thấy cuộc đời còn nhiều lẽ đáng sống lắm, ý nghĩa sống là ở những câu chuyện đẹp lay động lòng người ấy chứ đâu xa xôi gì.
Cuộc đời cần lắm những điều tử tế có sức mạnh lan tỏa như thế, để hàng tỷ người có thêm động lực, niềm tin để vươn lên, vun đắp tình yêu, sự nhân ái, có cái nhìn lạc quan về cuộc sống quanh mình. Ai cũng cần một thế giới tươi sáng và chan hòa, ai cũng sợ cô đơn buồn tủi. Đọc những câu chuyện ở trên, cho dù là người cứng rắn lạnh lùng cũng sẽ tan chảy trong giây phút, vì nó đủ tinh khôi để chạm đến đáy sâu tâm hồn mỗi người, làm rung lên những dây thần kinh giao cảm, yêu đời hơn, thương mến những mảnh đời tử tế đã mang cơ hội thay đổi số phận đến cho bao mảnh đời khác nữa.