Phát biểu tại buổi họp tổ, nhiều đại biểu cho rằng, tài sản nhà nước tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công hiệu quả, tiết kiệm.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ
Nhiều đại biểu cho rằng cần phải làm rõ khái niệm tài sản công, bổ sung thêm một số nội dung vào tài sản công như tài sản. Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có ý kiến: Về những từ ngữ, định nghĩa khái niệm tài sản công ở khoản 1, điều 3 khá dài dòng nhưng chưa bao quát toàn diện. Đưa ra khái niệm tài sản công để giải thích cho được, nhận dạng về tính sở hữu và tính chất của tài sản, cho nên ở khoản 1 điều 3, tôi đề nghị được làm rõ bằng cụm từ: Tài sản công là tài sản sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu hoặc xác lập quyền sở hữu, thống nhất quản lí và trực tiếp ủy quyền giao đầu tư khai thác theo Luật.
Một số ý kiến cho rằng, Dự án Luật cần phải nghiên cứu, bổ sung để khắc phục được tình trạng không thống kê đầy đủ và không xác định được giá trị tài sản công cũng như phần ngân sách có thể đóng góp do quá trình khai thác tài sản công, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về xác định tài sản công, tránh sự chung chung.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị...
Đại biểu Hồ Đức Phớc - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có ý kiến: Chúng ta hình dung cơ quan Nhà nước như một gia đình, vậy nhà của chúng ta, chúng ta phải tự xây. Nếu nhà của chúng ta gọi 10 người khác đến xây, rồi chia cho một phần để ở, đối với cơ quan Nhà nước như vậy, tôi e là sẽ không đảm bảo tính uy nghi, tính bí mật và một số khu đất vàng sẽ dễ dàng bị lợi dụng.
Cuối giờ cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Góp ý vào dự thảo Luật, có đại biểu cho rằng cần phải bổ sung quy định về các trường hợp người nước ngoài được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vào Luật, ví dụ như trong trường hợp để bảo vệ các nguyên thủ quốc gia, luyện tập thể thao.
Về quy định nổ súng cần có quy định tiêu chí cụ thể và rõ ràng hơn tình huống nổ súng và trình tự nổ súng như thế nào. Đặc biệt, nhiều đại biểu còn băn khoăn về việc quy định về trường hợp nổ súng cần được quy định thật rõ ràng hơn để người sử dụng không phải lúng túng khi không biết thực hiện thế nào cho đúng với Luật.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An băn khoăn nhất điều 21, cần quy định cụ thể rõ ràng hơn: Trong quy định này, tôi thấy hơi chặt, thành ra lực lượng chức năng không dám sử dụng vũ khí. Nếu chúng ta vẫn thống nhất quan điểm sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải đảm chặt như phòng vệ chính đáng, tôi nghĩ không đúng. Nếu vậy, chẳng cần quy định. Luật hình sự quy định phòng vệ chính đáng quy định là người nào vì bảo vệ lợi ích của tập thể cá nhân để ngăn chặn tình huống nguy hiểm.
Rêng quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí đa số các ý kiến đồng ý với phương án 1 là giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí.
Dự kiến chiều ngày 7/11 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ./.
Tác giả bài viết: Phan Xanh – Cao Hoàng
Nguồn tin: